Đọc sách

Tư liệu về biệt động Sài Gòn

Báo chí và phim ảnh đã nói nhiều về những chiến công phi thường của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Còn đây là cuốn sách của người mang biệt danh ông trùm biệt động Sài Gòn, một văn bản ghi chép tư liệu cụ thể về người thật việc thật.

Tác giả Nguyễn Đức Hùng, bí danh Tư Chu (1928 - 2012), nguyên là phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định thời chống Mỹ. Là chỉ huy trưởng đoàn biệt động F100, đại tá Nguyễn Đức Hùng đã trực tiếp chỉ đạo nhiều hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Cuốn sách là bản ghi chép, tổng hợp tư liệu về hoạt động của biệt động Sài Gòn, cùng dư luận trong và ngoài nước. Cuối sách là lược trích bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Đức Hùng với đài truyền hình Cộng hòa Liên bang Đức năm 2000.

Về tư liệu, tác giả tổng hợp nhiều tài liệu cụ thể về địa lý và hoàn cảnh lịch sử của cuộc chiến đấu, từ thời kháng Pháp sang thời chống Mỹ. Ông trình bày chủ trương đường lối của ta, các chiến lược chiến thuật, việc xây dựng và tổ chức lực lượng biệt động, thành phần cán bộ và chiến sĩ biệt động hoạt động ở Sài Gòn - Gia Định, danh sách các di tích lịch sử ghi nhận chiến công của biệt động… Ông cũng phân tích sự khác nhau giữa biệt động và đặc công, điều mà nhiều người còn mơ hồ. Ở phần cuối, ông Nguyễn Đức Hùng thống kê bằng bảng biểu các anh hùng liệt sĩ đã tham gia những trận chiến đấu lớn. Thêm cả danh sách 7 liệt sĩ và 5 đơn vị còn đang được đề nghị bổ sung xét tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ở thời điểm ông viết sách, khoảng trước năm 2010.

Đặc biệt hấp dẫn là phần tường thuật những trận đánh lớn của biệt động Sài Gòn. Điển hình là hai đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 phối hợp nhiều cách đánh, kết hợp với nổi dậy của các lực lượng.

Với ba cách đánh tiêu biểu, tác giả kể lại những trận đánh lớn làm ví dụ.

Cách đánh Nổ chậm: ngày 24.12.1964, dùng thuốc nổ trên xe ô tô để lại trong cư xá Brink, làm chết và bị thương hơn 100 sĩ quan Mỹ.

Cách đánh Cường tập: ngày 30.3.1965, dùng xe ô tô chở thuốc nổ lao thẳng vào trong đại sứ quán Mỹ, vụ nổ làm rỗng bốn tầng nhà, gần 200 binh lính và nhân viên Mỹ thương vong.

Cách đánh Pháo kích: dùng súng DKZ bắn vào lễ quốc khánh của chính quyền Sài Gòn 1.11.1966 và dùng súng cối bắn vào lễ quốc khánh Sài Gòn năm 1967. Cả hai trận pháo kích ngay giữa lòng đô thị đã làm cho lễ quốc khánh Sài Gòn trở nên hỗn loạn, tổng thống và phó tổng thống Sài Gòn cùng các quan chức phải nằm bẹp để tránh, phó tổng thống Mỹ đang có mặt phải chạy đi ẩn nấp, các đại diện nước ngoài bỏ chạy, đại sứ Mỹ trên đường đến dự nghe có biến động cũng quay đầu bỏ về.

Qua thống kê và tường thuật, thì thấy suốt thời kỳ chiến đấu, biệt động Sài Gòn không lúc nào để cho Mỹ và chính quyền thân Mỹ được yên. Các trận đánh dày đặc được thống kê đầy đủ ngày giờ và địa điểm. Một bản trích lược tin tức từ báo chí Mỹ và nhiều nước khác đã giúp người đọc hình dung thêm về bề dày chiến công của lực lượng. 

Trong một tập ghi chép và tổng hợp tư liệu, người đọc cũng thấy cảm xúc của tác giả, ở vị trí một người trong cuộc. Đó là cảm giác hưng phấn và hồi hộp khi tổ chức những trận đánh lớn, sự hân hoan trước chiến thắng, nỗi lòng xót xa trước việc đồng đội hy sinh và những tổn thất quá lớn của lực lượng (ông thống kê lực lượng biệt động Sài Gòn tổn thất đến 80%). Có chuyện tổ chức trận đánh mà vui, như khi “tuyển người” đóng vai sĩ quan Sài Gòn đưa xe chở thuốc nổ vào đánh cư xá Brink. Bên cạnh phẩm chất cần có của biệt động thì tiêu chuẩn đóng giả phải có hình thức béo mập, tác phong quyền uy trước đám lính bảo vệ cư xá. Tìm được người có đủ tiêu chuẩn thì lại trẻ quá, mới hơn ba mươi tuổi, cho nên phải sửa kế hoạch ban đầu, người đáng lẽ đóng vai đại tá bị “giáng cấp” xuống… hàm thiếu tá.

Trong sách cũng có cả tâm tư thời hậu chiến, khi mà chủ trương giải thể lực lượng biệt động quá nhanh, toàn bộ cán bộ chiến sĩ được ra quân, ảnh hưởng đến chế độ chính sách đối với lực lượng và đời sống của biệt động sau chiến tranh. Có cả tinh thần đồng đội đùm bọc lấy nhau giữa những cựu chiến binh trong bối cảnh đời sống còn nhiều khó khăn. Có nỗi ngậm ngùi khi các cựu chiến sĩ biệt động đến thắp hương tưởng niệm đồng đội hy sinh bên cạnh đại sứ quán Mỹ ngày nay, nhưng bị công an từ chối vì họ cần làm đúng vai trò bảo vệ an ninh cho cơ quan đại diện ngoại giao...

Ông Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) qua đời ngày 16.5.2012, hơn bốn tháng sau khi ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông yên lòng ra đi và càng yên lòng sau khi đã chu đáo làm công việc viết sử cho biệt động Sài Gòn.

Hồ Anh Thái

___________

* Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975), tác giả: Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Nxb Văn hóa - Văn nghệ 2016.

Văn hóa - Thể thao

Ngự trà hoàng cung
Văn hóa - Thể thao

Ngự trà hoàng cung

Hòa chung không khí cả nước hướng về ngày Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cũng như chương trình Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025: “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới” chủ đề Festival Huế 2025: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Thương hiệu Đôi Dép phục dựng nghi thức và tái hiện hoạt cảnh nhà vua mở tiệc trà chiêu đãi quần thần. 

Soi mình trên dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Soi mình trên dải non sông

50 năm sau ngày thống nhất đất nước (1975), văn học Việt Nam đã trải qua những bước chuyển mình sâu sắc; từ áng văn thơ gắn liền với lịch sử chiến tranh đến những tác phẩm mang đậm hơi thở Đổi mới, văn học phản chiếu cả hiện thực lẫn khát vọng của một dân tộc trên hành trình hội nhập, vươn mình.

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.