Khát vọng “nối vòng tay lớn”
“Với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước vừa cần mẫn vá lại những vết thương, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan”. Câu nói của nhà văn Nguyễn Bình Phương phần nào tổng họa khái quát bức tranh văn chương song hành với chặng đường mới của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Trong tiểu luận “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?”, nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng từng phác thảo: “Thế hệ nhà văn sau 1975 là một lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được. Bằng những thành tựu phong phú của mình, thế hệ nhà văn sau 1975 đã kiến tạo nên một hệ giá trị mới, đưa lịch sử văn học Việt Nam sang một chương/trang mới”.
Nhìn nhận hành trình 50 năm không đơn giản là tổng kết hay định giá, mà gọi tên cho đúng hình mạo văn học để dự báo về những chiều hướng cho tương lai. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn rộng ra, văn chương suy cho cùng là câu chuyện văn hóa, con người; qua chữ thấy người, thấy văn hóa, còn thấy cả hành trình lịch sử dân tộc.
Nhìn lại dòng chảy văn học từ sau ngày 30.4.1975, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nhà văn Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, bước chuyển quan trọng gắn với dấu mốc này là cùng với sự thống nhất chủ quyền và lãnh thổ, hai nền văn học tồn tại trong hai chính thể khác nhau đã thống nhất thành một thể, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong bối cảnh tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận và khủng hoảng kinh tế, “nối vòng tay lớn” hòa hợp dân tộc là khát vọng của hàng chục triệu người. Để biến khát vọng thành hiện thực cần phải khép lại quá khứ trên tinh thần hòa giải, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng khép lại không có nghĩa là lãng quên. Văn học với sứ mệnh đặc biệt của mình đi sâu vào mạch ngầm này, nhắc nhớ mỗi người để có được hòa bình, chúng ta đã phải trả giá bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu.
Cùng lúc ấy, thế hệ nhà văn thời hậu chiến bắt đầu tìm kiếm ý thức mỹ học mới. Mỹ học thời chiến thay thế bởi mỹ học thời bình, cái nhìn sử thi dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự, đời tư. Nhiều cây bút đã trải qua giờ phút đối mặt với sinh tử, từ trong chiến tranh lấp lánh khát vọng hòa bình, đến với hòa bình từ khói lửa chiến tranh, mang trong mình những chấn thương dai dẳng nhưng vẫn cầm bút, trang viết nặng tình quê hương, xứ sở.

Một số trước tác của văn chương Việt Nam sau năm 1975
Như nhà văn Nguyễn Minh Châu - người tiên phong mở ra thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ của văn chương sau năm 1975 - nhiều lần tâm sự ông viết không phải để tô hồng mà nói sự thật, tìm lại phẩm giá con người. Sau tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972) kể về năm tháng chống Mỹ oanh liệt, Nguyễn Minh Châu hướng ngòi bút đến số phận. Các tác phẩm Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… để hiểu rằng trong cuộc sống thường nhật của nhân dân vẫn tồn tại một cuộc chiến tranh không tiếng súng.
Tận hiến để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”
“Sáng tác văn học không chỉ là phục vụ mà chính là bày tỏ lẽ sống của nhà văn, là biết quên cái riêng bé nhỏ để gặp niềm vui rộng lớn trên từng chặng đường đời". Dẫn lời nhà thơ Hoàng Minh Châu với những trải nghiệm truyện, thơ, tiểu luận phê bình từ cuối những năm 1950 đến gần đây, nhà phê bình Nguyên An cho rằng sự sôi nổi, mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tác của nhà văn, nhà thơ Việt Nam thường chung kết lại ở khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân.
Ngày trước, Tố Hữu từng kêu gọi: Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hót! Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta! Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt/ Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa... (Mùa thu mới, 1958). Hay Chế Lan Viên cũng từng ao ước: Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ/ Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?, 1965). Nhà phê bình văn học Nguyên An cho rằng, cảm hứng sáng tạo văn nghệ tận hiến thời ấy vẫn còn tiếp nối. “Đó là sự tận hiến cho sự nghiệp to lớn mà toàn Đảng, toàn dân đã và đang thực hành tự nguyện, tự giác, tự hào”.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc, dân tộc là đề tài muôn thuở có tính văn hóa, lịch sử, luôn gợi lên cho văn nghệ sĩ rất nhiều cảm hứng. Ở mỗi thời đại, thời điểm khác nhau, mỗi người sáng tạo tìm đến tiếng nói riêng về đề tài lớn lao, thiêng liêng này, làm nên bản sắc của văn chương Việt Nam qua mấy nghìn năm trường tồn cùng non sông. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi… (Tổ quốc nhìn từ biển, 2009).

Nhìn nhận hành trình 50 năm không đơn giản là tổng kết hay định giá, mà gọi tên cho đúng hình mạo văn học để dự báo về những chiều hướng cho tương lai
Đặc biệt khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới (từ 1986), văn học nước nhà cũng đổi mới tư duy, mở ra vận hội mới, chân trời mới cho nghệ sĩ. Văn học Việt Nam chạm đến mỹ cảm của nhân loại, lan tỏa trong bản đồ văn chương thế giới. Nhiều tác phẩm thơ, văn được giới thiệu ra quốc tế như Nỗi buồn chiến tranh (1987) của Bảo Ninh, Tướng về hưu (1988) của Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng bất tận (2005) của Nguyễn Ngọc Tư... Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi được hỏi điều gì đưa tác phẩm vượt ra khỏi biên giới Việt Nam đã bộc bạch: “Tôi viết những gì gần gũi nhất với mình nhưng chính điều đó lại làm nó trở nên gần gũi với mọi người”.
GS. Phong Lê cho rằng, chúng ta có một đội ngũ viết hùng hậu, ở nhiều lứa tuổi, ai cũng mong đến được với cái riêng của mình. Nhưng dẫu theo đuổi cái riêng ráo riết đến mấy thì trước hiện thực hôm nay, tất cả các thế hệ viết đều có mẫu số chung cho sự tìm kiếm. “Nếu Tổ quốc vẫn cần được giữ gìn cho từng tấc đất, nếu mỗi khoảnh rừng hoặc từng hải lý biển không cho phép bất cứ ai lấn tới, nếu tài nguyên là tài sản cho con cháu muôn đời, thì văn học hôm nay đâu có thể dễ dàng cắt đứt với Tuyên ngôn độc lập (Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1945) và Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi, 1428)...”.