Xu thế tất yếu
Chuyển đổi số (Digital transformation) được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data)... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu.
Chuyển đổi số không chỉ là sự thay đổi trong các giải pháp công nghệ hay quy trình hoạt động của một doanh nghiệp, một chủ thể trên thị trường mà còn là sự thay đổi về văn hóa, đòi hỏi các chủ thể trên thị trường phải tái tạo mô hình tổ chức kinh doanh. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo.
Truyền thông là một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế, một lĩnh vực luôn phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt các chức năng của mình, truyền thông không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất, phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông. Đây chính là hoạt động ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thông trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ báo chí truyền thông.
Chuyển đổi số truyền thông hiện nay ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, trước hết là quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở cấp chiến lược. Tháng 9.2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 3.6.2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số".
Chuyển đổi số trong truyền thông chính sách BHTG
Ứng dụng sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công cụ truyền thông BHTG ngày càng được đa dạng hóa, hiện đại hóa, có thể kể đến như phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, báo chí), trang tin điện tử và công cụ số hóa... được các tổ chức BHTG vận dụng ngày càng linh hoạt, sáng tạo.
Đơn cử, Tổng công ty BHTG Phillipines (PDIC) hiện đang sử dụng công cụ truyền thông số hóa, liên kết với các ngân hàng và chính quyền địa phương. Dịch vụ truyền thông số hóa của PDIC gồm internet, mạng xã hội và dịch vụ tin nhắn tổng đài tự động thông qua 78 trung tâm tại các tỉnh thành. PDIC còn triển khai truyền thông mới như ra mắt công cụ máy tính điện tử về BHTG, tài khoản trên Facebook và Twitter, giúp người gửi tiền tính toán số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tại Hàn Quốc, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) triển khai các công cụ truyền thông thường xuyên qua các kênh truyền thông đại chúng, giáo dục tài chính toàn diện, tổ chức các hoạt động trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube… Đối với trường hợp xảy ra đổ vỡ tổ chức tham gia BHTG và trả tiền bảo hiểm, KDIC sử dụng hệ thống công nghệ tích hợp thông tin xử lý (IRIS) cho người gửi tiền và các chủ nợ để đòi bồi thường, đồng thời, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các chủ nợ trực tuyến.
Tại Việt Nam, BHTGVN đã và đang dần đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống, BHTGVN cũng chú trọng đến việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua website của BHTGVN, các thông tin về BHTG trong và ngoài nước được cập nhật liên tục, nội dung đa dạng, phong phú, hướng đến nhiều đối tượng công chúng khác nhau. Năm 2021, BHTGVN phối hợp tuyên truyền trên chương trình “Tay hòm chìa khóa” với hình thức thể hiện sinh động dưới dạng đồ họa đã góp phần lan tỏa chính sách BHTG đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, để hòa nhập vào làn sóng chuyển đổi số, BHTGVN cần xây dựng và gia tăng sự hiện diện trên các môi trường số như mạng xã hội, các kênh truyền thông số, qua đó gia tăng độ nhận biết. Song song, tăng dần tỷ trọng của các chương trình truyền thông số; tăng khả năng tiếp cận của công chúng tới tổ chức BHTG, nhằm thúc đẩy tương tác số, góp phần giúp tổ chức BHTG củng cố uy tín, phát hiện sớm và xử lý các khủng hoảng truyền thông.
Việc xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền - đối tượng công chúng mục tiêu và công chúng nói chung là cơ sở quan trọng để xây dựng, triển khai các chương trình truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, môi trường số cho phép BHTGVN lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông. Trong tương lai, với việc sử dụng Bigdata và AI, tổ chức BHTG có thể tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu trên cơ sở các thuật toán, qua đó tự động hóa các nghiệp vụ truyền thông số, giảm bớt chi phí nhân lực đồng thời tăng hiệu quả truyền thông... Để mục tiêu này thành công, BHTGVN chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn; coi đây là giải pháp quan trọng nhất bảo đảm thành công trong quá trình chuyển đổi số.
Ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHTG sẽ là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin cho công chúng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần được thực hiện theo từng bước trong một chiến lược ít nhất 3 - 5 năm và phải liên tục được cập nhật để theo kịp các tiến bộ về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả đối với những hoạt động đã triển khai để kịp thời cải tiến, khắc phục.