Nêu câu hỏi về vấn đề gỡ "Thẻ vàng" của EC, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, Báo cáo kết quả giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý khai thác thủy sản IUU đã chỉ rõ, khung pháp lý của Việt Nam về quản lý chống khai thác IUU chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định về khai thác thủy sản còn chung chung, khó định lượng nên khó thực hiện trên thực tế.
Điều này cũng thống nhất với kiến nghị sau lần thanh tra thứ 3 mà Đoàn Thanh tra của EC đã nêu từ tháng 10.2022. Tuy nhiên, trong Báo cáo của Bộ NN và PTNT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nêu ra được nhóm giải pháp riêng với hạn chế này. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, khung pháp lý của Việt Nam trong quản lý chống khai thác IUU còn những vướng mắc gì và giải pháp, hướng khắc phục trong thời gian tới - đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chất vấn?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những điều kiện khó thực thi là có thật, nhưng khó mấy cũng phải làm, vì tất cả các điều kiện, chế tài xử phạt, tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta đều được ban hành dựa trên tham khảo ý kiến của đại diện của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Hàng tháng, khi có thay đổi quy định pháp luật liên quan, Bộ NN và PTNT đều tiến hành tham vấn và nhận được sự hỗ trợ tích cực của bộ phận này. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, sẽ phối hợp với đại biểu Quốc hội rà soát, xác định quy định nào còn vướng mắc, bất cập.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nếu chúng ta thực hiện tốt Luật Thủy sản và các nghị định hướng dẫn thi hành thì sẽ không bị EC áp "Thẻ vàng". Thực tế, "pháp luật được ban hành, nhưng thực hiện ở từng đội tàu, cảng cá, không gian biển ở các địa phương, thì Bộ trưởng Bộ NN và PTNT không có đủ quyền năng và với cấu trúc như vậy khó thực hiện". Chỉ rõ khó khăn này, Bộ trưởng cam kết: Việc nào trong tầm tay sẽ sẵn sàng thực hiện để tháo gỡ cho các địa phương trong quá trình thực hiện gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.