Điều kiện chăm sóc, khám, chữa bệnh còn hạn chế
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin gây nên nhiều dị dạng bẩm sinh, các bất thường về thai sản, gây ung thư và nhiều bệnh tật nguy hiểm khác cho người bị phơi nhiễm. Chiến tranh đã kết thúc hơn 37 năm, nhưng việc khắc phục những hậu quả mà CĐHH/dioxin để lại cho sức khỏe con người vẫn còn đó.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành, thực thi nhiều chính sách và quan tâm hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân CĐHH/dioxin và người khuyết tật. Tuy nhiên, điều kiện chăm sóc, khám, chữa bệnh ở cộng đồng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân CĐHH/dioxin và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật là nhu cầu cần thiết.
Nắm bắt được nhu cầu đó, Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân CĐHH/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan đã và đang tích cực triển khai các hoạt động giúp nạn nhân phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 11 tỉnh trong vùng dự án. Đây là cơ hội giúp các thành viên trong gia đình các nạn nhân được nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát hiện sớm và can thiệp sớm các vấn đề về sức khỏe, các kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho các nạn nhân ngay tại cộng đồng”.
Cần có sự chung tay của gia đình và toàn xã hội
Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã triển khai tập huấn và thực hiện hướng dẫn cho nạn nhân và người nhà nạn nhân về các kỹ thuật phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho nạn nhân, người khuyết tật. Cụ thể, cán bộ y tế xã, cộng tác viên, thành viên Hội nạn nhân, người nhà nạn nhân CÐHH trong vùng dự án được chuyển giao kiến thức và kỹ thuật phát hiện sớm, chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật. Ðến nay, 17.154 nạn nhân và người nhà tại 11 tỉnh thuộc vùng dự án được hướng dẫn về các kĩ thuật phòng ngừa khuyết tật, can thiệp sớm và PHCN tiếp cận với các dịch vụ PHCN dựa vào cộng đồng phù hợp để hòa nhập cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng đạt tỷ lệ phục hồi cao, có thể triển khai rộng rãi, tăng số nạn nhân có cơ hội được phục hồi chức năng, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người bệnh và phù hợp với điều kiện sinh sống. Các chương trình chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng cơ bản phù hợp với hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế, ít tốn kém, giúp người bệnh dễ áp dụng.
Bên cạnh đó, 13.487 lượt hỗ trợ gia đình nạn nhân và người khuyết tật trong vùng dự án được thực hiện nhằm tư vấn, hướng dẫn và thực hiện phát hiện, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Cụ thể, mỗi tỉnh trong vùng dự án chọn một huyện, mỗi huyện chọn nạn nhân của tất cả các xã. Căn cứ danh sách nạn nhân đã được khảo sát sau khi được khám sàng lọc, căn cứ thực trạng bệnh tật, chỉ định chăm sóc và nhu cầu chăm sóc phục hồi chức năng tại nhà để thực hiện nội dung này. Cán bộ trạm y tế lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho nạn nhân tại nhà; người nhà và cộng tác viên hỗ trợ thực hiện các công việc: Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa khuyết tật cho nạn nhân; xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp… Khi có vấn đề về sức khỏe, cần được sơ cứu tại chỗ, gia đình biết cách liên hệ và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được can thiệp; đồng thời cải thiện môi trường sống trong và quanh nhà để nạn nhân dễ dàng tiếp cận (nhà bếp, nhà vệ sinh, buồng ngủ, lối đi lại quanh nhà…); giúp nạn nhân cùng tham gia các đợt hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, mua sắm…
Đáng chú ý, tại 11 tỉnh tham gia dự án có 2.200 cán bộ y tế xã và cộng tác viên được tập huấn đã đến hướng dẫn và tập luyện tại nhà cho 5.500 nạn nhân, người khuyết tật. Các nghiên cứu, khảo sát cho thấy có khoảng 40% số nạn nhân CÐHH/dioxin, người khuyết tật tại cộng đồng có nhu cầu tư vấn sức khỏe và phục hồi chức năng được cán bộ y tế và tình nguyện viên, người nhà hướng dẫn, theo dõi các vấn đề về sức khỏe.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, trợ giúp phục hồi chức năng cho nạn nhân CÐHH/dioxin là tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng. Việc trợ giúp nạn nhân CÐHH/dioxin, người khuyết tật hòa nhập cộng đồng cần có sự chung tay của gia đình và xã hội, trong đó, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng là mô hình, giải pháp hiệu quả, phù hợp trong điều kiện thực tế nước ta. Những kết quả tích cực tại 11 tỉnh, thành phố tham gia dự án, sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để tổng kết, nhân rộng mô hình phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân CÐHH/dioxin, người khuyết tật góp phần chăm sóc tốt hơn, giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.