Theo đó, TP Hà Nội đã triển khai đồng loạt, đồng bộ công tác tổ chức lập quy hoạch, cụ thể đã tiến hành tổ chức lập 68 Đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện, thị xã (QHC), Quy hoạch phân khu đô thị (QHPK). Đến nay, thành phố đã phê duyệt 100% Nhiệm vụ quy hoạch, 100% đồ án quy hoạch đã được lập xong, trên 50% đồ án quy hoạch đã được thẩm định và phê duyệt (các đồ án sau khi phê duyệt đã được hoàn tất công tác xác nhận hồ sơ, bản vẽ, quy định quản lý, công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch). Các đồ án còn lại đang được gấp rút hoàn thiện, theo kế hoạch sẽ hoàn thành thẩm định và phê duyệt hoàn tất trong năm 2015, các quy hoạch được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho các địa phương triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết, các dự án đi vào triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng đi vào nền nếp tuân thủ quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của Thủ đô.
![]() Nguồn: batdongsan.com.vn |
Trên cơ sở các đồ án QHC, QHPK được duyệt, thành phố đã chỉ đạo lập các Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, theo đó: trong khoảng từ tháng 11.2011 đến tháng 6.2015 thành phố đã phê duyệt khoảng trên 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường. Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành: Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Chính trị Ba Đình, Khu Trung tâm đô thị Tây Hồ Tây; Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài cơ bản đã hoàn thành, phê duyệt trong năm 2015.
Công tác xây dựng các quy định, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc nhằm tăng cường công tác quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, quản lý hoạt động cấp phép xây dựng tại các địa phương được đặc biệt quan tâm, cụ thể: thành phố đã phê duyệt, ban hành các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố Cổ; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố Cũ; đồng thời chỉ đạo tiếp tục thực hiện các quy chế các quận, thị trấn và các khu vực đặc thù khác.
Để tăng cường phân cấp, thành phố đã ban hành Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 17.9.2014 ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 82/2014/QĐ-UBND ngày 21.11.2014 ban hành quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chuyên ngành cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo: trong giai đoạn 2011 - 2015, UBND thành phố đã chỉ đạo lập Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch Nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt 18 quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã. Chỉ đạo lập 45 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cấp thành phố; phê duyệt 24 quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011 - 2015 của 24 quận, huyện, thị xã (số quận còn lại không phải tổ chức lập quy hoạch do cơ bản đã ổn định việc sử dụng đất, sự biến đổi về sử dụng đất không lớn); phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đến năm 2020; chỉ đạo đẩy nhanh công tác lập quy hoạch vận tải thủy; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; quy hoạch hệ thống chiếu sáng; quy hoạch đất trồng lúa; quy hoạch hệ thống quảng cáo ngoài trời; quy hoạch hệ thống tượng đài; quy hoạch hệ thống đê điều thành phố; công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới được đã được triển khai tích cực trong năm 2013 (401/401 xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới).
Bên cạnh những mặt đạt được, thành phố còn gặp nhiều khó khăn cần khắc phục liên quan đến các thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đối với các đơn vị tư vấn khi tham gia lập quy hoạch, cần đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, thời gian hoàn thành đồ án. Đối với các cơ quan thẩm định cần đặt yêu cầu đối với các công chức chuyên môn làm công tác thẩm định quy hoạch nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, trình độ chuyên môn; khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Công tác phê duyệt bảo đảm đáp ứng tiến độ, yêu cầu phát triển Thủ đô.
Có thể nói, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy và kế hoạch triển khai hành động số 01/KH-UBND của UBND thành phố đã có tác động lớn, tạo chuyển biến tích cực đến công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của HĐND thành phố giai đoạn 2011 - 2015.