Kết hợp hài hòa các chính sách sẽ điều chỉnh được giá cả
Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tuy nhiên áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1.7.2024. Nêu thực tế này, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết định hướng công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu, trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế mở, nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu nên giá nhiều mặt hàng phụ thuộc vào diễn biến của thế giới. Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, thì những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc kiểm soát chỉ số lạm phát.
"Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để bảo đảm các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng được Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá sẽ được điều chỉnh với lộ trình phù hợp", Phó Thủ tướng Chính phủ nói.
Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, các chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Đơn cử, trong xử lý biến động giá vàng, những giải pháp Chính phủ đưa ra nhằm kiểm soát, ổn định giá trị của đồng tiền. Hay như, thực hiện các chính sách tiền tệ để bảo đảm các tỷ giá, giá trị của đồng tiền. Các chính sách nêu trên đều được thực hiện đi đôi với chính sách tài khóa.
Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm... Có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để bảo đảm cho sản xuất và kinh tế phát triển.
Với các giải pháp Chính phủ đã thực hiện vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, cũng như kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thì chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.
"Việt Nam có lợi thế là các mặt hàng thiết yếu không có tỷ trọng lớn trong các gói hàng hóa dùng để tính lạm phát. Chúng ta cần quan tâm đến việc nhập khẩu nguyên nhiên, vật liệu mà chúng ta không có. Do vậy, cần chủ động dự báo, có hợp đồng dài hạn để có thể kiểm soát tăng giá với những mặt hàng này", Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời.
Sửa đổi Luật sẽ khắc phục vướng mắc trong khai thác vật liệu xây dựng
Quan tâm đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình, phần đất nằm trong hành lang an toàn cột gió, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu rõ: hiện nay, nhiều tỉnh đang gặp phải vướng mắc về quy định của pháp luật liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình, phần đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, đời sống và quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều đoàn khiếu nại đông người, vượt cấp gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
“Việc vận hành các nhà máy điện gió sau khi đã hoàn thành gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp của nhiều Bộ dưới sự chỉ đạo của Chính phủ”. Đại biểu đề nghị, Phó Thủ tướng cho biết, với Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian sắp tới có giải quyết dứt điểm được tình trạng này hay không? “Cử tri đang rất trông chờ cam kết của Chính phủ về giải quyết vấn đề này như thế nào”, đại biểu nhấn mạnh.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, theo Luật Đất đai, hành lang an toàn là một trong những khu vực Nhà nước sẽ thu hồi khi cần thiết và sẽ có chính sách thu hồi phù hợp.
Chỉ rõ, các công trình sản xuất, nhà ở nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió cũng sẽ được bồi thường theo chính sách này, song Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, khó khăn hiện nay là chưa có tiêu chí xác định hành lang này như thế nào; cũng như chưa có quy định dưới hành lang đó thì khu vực nào có thể tiếp tục được sử dụng cùng với các trạm điện gió hay khu vực nào thì phải bảo vệ tuyệt đối để có những chính sách phù hợp.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện đang chờ các Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các tiêu chí an toàn kỹ thuật để xác định hành lang an toàn điện gió, trên cơ sở đó sẽ thực hiện thu hồi và có chính sách đền bù theo Luật Đất đai.
Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng để phục hồi môi trường. Tuy nhiên, có nơi, có địa phương, nghĩa vụ này chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Hệ lụy của nó là đất sản xuất của người dân không sản xuất được vì bị vùi lấp, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Nêu vấn đề này, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của vấn đề và sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ để xử lý vấn đề này?
Làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định hiện hành vật liệu san lấp thông thường sẽ được đưa vào nhóm trình tự, thủ tục đơn giản nhất, thậm chí nhiều loại vật liệu phải coi như tài nguyên đất. Việc đóng cửa các mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp thông thường vẫn phải thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ, đề án xử lý môi trường, nhưng sẽ với thủ tục đơn giản hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện khai thác, hoàn thổ mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng sẽ được khắc phục trong dự án Luật Địa chất, khoáng sản (sửa đổi) sẽ trình ra Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp này.