Là xu hướng phát triển tất yếu
VietGAP là chuẩn mực thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam với sự đầu tư ít tốn kém và dễ thực hiện nhất trong các quy trình sản xuất GAP hiện nay. Chương trình này đang thu hút nông dân tham gia vì được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận. Hiện đa số các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đều đạt chứng nhận này như bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng, rau... về chăn nuôi có các sản phẩm chủ lực như lợn, gà, cá, tôm… Diện tích sản xuất VietGAP trên địa bàn tỉnh cũng tăng nhanh, thậm chí đã hình thành được những vùng chuyên canh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu của các nước trên thế giới khi nhu cầu về lượng lương thực giảm đi, trong khi nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường ngày càng được chú trọng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện mang lại nhiều lợi ích hơn, giá trị kinh tế cao hơn, vừa bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, vừa mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân.
Cũng theo ông Võ Văn Phi, Đồng Nai hiện có diện tích đất tự nhiên gần 600.000ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm trên 350.000ha, hơn 60% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian vừa qua, tỉnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh trong đó có vùng chuyên canh về trồng trọt, cây ăn quả như sầu riêng, chuối, chôm chôm, bưởi, mít và cây công nghiệp như tiêu, điều, ca cao… Về lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã xây dựng được vùng chăn nuôi tập trung với quy mô kinh tế trang trại 90%, chỉ còn khoảng 10% sản xuất nhỏ lẻ. Trong đó, tỉnh đang dẫn đầu đàn lợn của cả nước với 2,5 triệu con. Địa phương này cũng là “thủ phủ” gà của cả nước với quy mô đàn gia cầm hơn 25 triệu con. Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh đạt trên 45.000 tỷ đồng, đóng góp 10% tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh. Những con số này là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Đồng Nai có rất nhiều lợi thế để phát triển và đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ.
Nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư
Thời gian qua, để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng, tỉnh Đồng Nai đã ban hành các chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31.12.2021 của Tỉnh ủy Đồng Nai về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 19.11.2021 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định nội dung, mức hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch số 11444/KH-UBND ngày 21.9.2021 về phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình số 08/CTr-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Chương trình Hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025…
Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ như đơn giản hóa thủ tục cho vay; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất. Sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của các dự án nông nghiệp hữu cơ nhằm giúp cho các chủ thể sản xuất kinh doanh thực hiện vay vốn ngân hàng.
Sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng chuyên sâu, gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Rà soát và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trong nước các sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ như máy móc, thiết bị, nhà kính, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu vi sinh... Hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; chính sách dự báo thị trường; chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản. Bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng sản phẩm bảo hiểm, thủ tục tham gia thuận tiện.
Tỉnh Đồng Nai đã tích cực hỗ trợ người dân thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), kết quả, đạt 1.634ha diện tích nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. Hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng các giống cây trồng có chất lượng cao vào trong sản xuất, kết quả có 81,3% diện tích cây trồng sử dụng các giống chất lượng tốt. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc cây trồng với 81,2% diện tích cây trồng các loại. Về chăn nuôi, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 14 vùng nuôi VietGAP được chứng nhận với diện tích 401,75ha, sản lượng 15.282 tấn/năm (chiếm >23% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh).
Trong Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh cũng đề ra những mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 500ha cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ; 630ha diện tích cây công nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ; có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ như lợn, bò, gia cầm… Diện tích và sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tiếp tục tăng lên, có loại đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi vào năm 2030.