Trảy hội Gióng đền Sóc xem trò Chém tướng

Chém tướng là nghi lễ tái hiện trận chiến cuối cùng của Thánh Gióng trước khi Ngài cưỡi ngựa sắt về trời. Đây là một trong nhiều nghi lễ đặc sắc tại lễ hội Gióng đền Sóc (6 - 8 tháng Giêng), xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội, kỷ niệm 1031 năm ngày xây dựng đền Sóc và là năm đầu tiên sau khi lễ hội này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.


Trảy hội Gióng đền Sóc xem trò Chém tướng ảnh 1

Khúc khải hoàn ca

Tục truyền rằng, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt truy đánh giặc Ân đến chân núi Sóc. Tại đây, đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa Thánh Gióng với tên tướng giặc là Thạch Linh. Tương truyền Thạch Linh là một dị tướng phương Bắc nhiều ma thuật phi thường, răng cắn vỡ đá, thở rung cành cây. Sau nhiều ngày giao tranh trên núi Sóc, Thánh Gióng đã chém được đầu Thạch Linh, dẹp sạch giặc Ân.

Để tưởng nhớ Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của đời sống tín ngưỡng tâm linh dân gian, nhân dân hàng năm đã diễn lại cảnh Thánh Gióng chém tướng Thạch Linh. Người được chọn hóa thân làm tướng ngồi trong kiệu rước là bé gái 10 - 13 tuổi, chăm ngoan học giỏi, được chọn từ gia đình nền nếp gia phong. Kiệu tướng sau khi phục lễ tại đền Thượng nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương sẽ được đưa về chân núi Non trong quần thể núi Sóc. Tại đây, một thanh niên trai tráng cõng tướng chạy lên đỉnh núi Non, phía sau là quân truy đuổi. Sau một hồi giao tranh và trốn chạy, tướng giặc bị bắt và chém đầu. Ba quân tướng sỹ reo hò vang dậy núi rừng.

Trò Chém tướng được coi như khúc khải hoàn ca chiến thắng. Được khôi phục nguyên gốc (cùng với lễ hội Gióng) từ năm 1992 sau một thời gian dài gián đoạn do chiến tranh, trò Chém tướng vừa là niềm tự hào, biết ơn, vừa lời nhắc nhở thế hệ trẻ ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.

Trảy hội Gióng đền Sóc xem trò Chém tướng ảnh 2
Ảnh: Cường Nguyễn

Di sản văn hóa nguyên gốc

Theo Gs Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, mặc dù nằm gần trung tâm kinh thành của các triều đại phong kiến kể từ triều Lý, và sau này là trung tâm Thủ đô Hà Nội, hội Gióng đền Sóc vẫn giữ được bản tính nguyên gốc trong các nghi thức, nghi lễ. Có được điều này, Gs Ngô Đức Thịnh cho rằng nhờ vào tính cộng đồng, tính nhân dân, nơi mà ý thức bảo vệ giá trị truyền thống văn hóa tâm linh trong cộng đồng dân cư mạnh mẽ, liên tục.

Phần lễ của hội Gióng đã được phục dựng và tổ chức công phu với nghi lễ tế bát xã, ôn lại thân thế công trạng của Đức Phù Đổng Thiên Vương. Tiếp đến trong phần dâng lễ phẩm, lễ vật của các làng, tổng, kiệu hoa tre lộc Thánh của xã Phù Linh chính là một vật thờ linh thiêng, đặc trưng của lễ hội đền Sóc. Những khóm tre đằng ngà ngày xưa Thánh Gióng dùng giết giặc Ân nay trở thành những bông hoa tre muôn màu sắc dâng lên Ngài. Tiếp đó là lễ rước Ngựa Gióng của Tam tổng Phù Mã, lễ rước Voi chiến của làng Dược Thượng, lễ rước Ngà voi của xã Đức Hòa, lễ rước Cỏ voi của xã Xuân Giang. Bên cạnh lễ rước kiệu tướng của làng Yên Tàng là kiệu rước Cầu Húc làng Xuân Dục. Thứ tự dâng lễ vật cũng như quy định chuẩn bị lễ vật của các làng, tổng hầu như được thực hiện theo đúng truyền thống lưu truyền bất biến hàng ngàn năm nay. Các bài sớ tấu của bô lão các làng, tổng đều nêu bật ý nghĩa của vật phẩm, ca ngợi công đức cũng như thành quả của nhân dân dưới sự độ trì của Phù Đổng Thiên Vương cùng các vị thánh thần, cúi xin các ngài khai minh cho con cháu nối nghiệp cha ông rèn đức luyện tài, xây dựng và bảo vệ non sông đất nước, phù hộ độ trì cho nhân dân phúc lộc an khang, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Hầu như mỗi người dân dù gần hay xa khi trảy hội Gióng đều thành kính làm lễ dâng hương nhang lễ quả tại đền Thượng, đền Hạ, chùa Non nước, chùa Quan âm, tượng đài Thánh Gióng... cầu xin phúc lộc, an bình và hạnh phúc đầu xuân. Đặc biệt năm nay, du khách háo hức leo lên đỉnh núi Đá Chồng, ngọn cao nhất trong quần thể núi Sóc, nơi tượng đài Phù Đổng Thiên Vương sừng sững, hiên ngang như một biểu tượng về tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tương truyền đây chính là nơi Thánh Gióng đã cởi áo giáp, vẫy chào quê mẹ, cưỡi ngựa về trời sau khi đánh tan giặc Ân...

Bên cạnh giá trị văn hóa tâm linh, hội Gióng đền Sóc còn mang nhiều giá trị nhân văn, đạo đức, nghệ thuật và kịch bản dân gian chuẩn mực, nơi nuôi dưỡng và biểu hiện sáng ngời của tinh thần độc lập dân tộc. Người trảy hội đền Gióng, bên cạnh hy vọng về một năm mới tốt đẹp hơn, tâm hồn được thanh lọc hơn, mỗi người như hiểu hơn về giá trị độc lập, tự do mà biết bao thế hệ cha ông, trong đó có Thánh Gióng, đã chiến đấu, xây dựng và bảo vệ.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.