
Phát biểu khai mạc lễ trao giải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết: Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9.1962 – 5.9.2022); 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt - Lào (18.7.1977 – 18.7.2022 ), với vai trong công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng có ý nghĩa thiết thực. Trong đó có Chương trình truyền thông đặc biệt “60 năm hữu nghị Việt Nam- Lào: Chung dãy Trường Sơn”. Triển khai thực hiện chương trình này, tạp chí Thời Đại đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện". Đến nay, cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” đã đạt được tất cả các mục tiêu Ban Tổ chức đề ra, thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân hai nước; là diễn đàn ôn lại những tháng ngày gian khổ, hào hùng, cùng chia ngọt sẻ bùi giữa những người anh em Việt - Lào trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác.
Cuộc thi là hoạt động nằm trong chương trình truyền thông kỷ niệm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022”. Lễ trao giải được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hai đầu cầu của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (thủ đô Hà Nội) và Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam (thủ đô Vientiane, Lào).
Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần cùng hai nước chuyển tải những giá trị cao quý của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, một cách mới mẻ hơn và hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cuộc thi còn góp phần thúc đẩy sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả các nước và bạn bè trên thế giới.

Đối tượng dự thi là những cá nhân, tập thể chuyên gia, cán bộ - chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, lưu học sinh, sinh viên, du khách Việt Nam từng công tác, học tập, tham quan tại Lào; hoặc có quan hệ, làm việc với những người bạn Lào; các tổ chức, công dân, cán bộ, lưu học sinh, sinh viên Lào từng công tác, học tập, tham quan tại Việt Nam hoặc từng có quan hệ, làm việc với người Việt Nam.
Bài thi tham gia cuộc thi là những bài viết, thuyết minh về kỷ vậy, bài nói trên video clip có nội dung giới thiệu: tên kỷ vật, câu chuyện, xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, quá trình lưu giữ của kỷ vật; mục đích, ý nghĩa, quyền sở hữu kỷ vật; nguyện vọng, kế hoạch (nếu có) của tác giả, người sở hữu, người lưu giữ kỷ vật. Kỷ vật được viết, thuyết minh là những hiện vật của cá nhân, tổ chức có liên quan đến quan hệ của các cá nhân, tập thể, đơn vị, địa phương hai nước Việt Nam - Lào.
Hiện vật là các vật phẩm (mũ, áo, balo, đèn pin, bật lửa…); là các hiện vật ghi chép bút tích, tác phẩm văn học, nghệ thuật (lá thư, bài hát, bài thơ, tranh, ảnh, lời nhắn…). Thời gian lưu giữ hiện vật ít nhất là 5 năm (tính từ năm 2017). Những hiện vật đó phải có lý lịch, xuất xứ và nội dung, lý do được bảo quản, lưu giữ. Hiện vật không thuộc dạng bị tranh chấp quyền sở hữu, không thuộc danh mục các chất liệu, đồ vật, hàng hóa… sở hữu, lưu giữ trái pháp luật Việt Nam, pháp luật Lào.
Tại lễ trao giải, ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất cho tác phẩm Những kỷ vật gợi nhớ tới lãnh tụ cách mạng Lào do tác giả Tráng Lao Lử, người Mông sinh sống tại xã Phiêng Khoái, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và tác phẩm Bức ảnh cùng gia đình bố mẹ nuôi năm 1969 của tác giả Khamkeo Voongphila (nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Thủ đô Viêng Chăn – Lào). Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 4 giải Nhì, 7 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 5 giải Ấn tượng.