Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả
Thảo luận tại Tổ 13, đa số ĐBQH tán thành với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung cải cách đã bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Đồng thời, bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển; cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) nêu rõ, việc thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn, nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách trong thời gian hiện nay là cần thiết.
Cần hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước
Để đạt được mục tiêu cao nhất của các nội dung cải cách lần này, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, khi được Quốc hội thông qua thì Chính phủ cần có những giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt tránh tối đa tình trạng "tăng lương nhưng đồng thời cũng tăng giá" làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương.
Trên cơ sở đó, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, Chính phủ cần xem xét, đánh giá một số tác động ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát, bởi khi tăng tiền lương có nghĩa sẽ làm tăng chi tiêu công, hoặc cũng có thể làm tăng nhu cầu chi tiêu, tiêu dùng.
"Trong bối cảnh hiện nay bao giờ cũng có những tác động nhất định đến quan hệ cung - cầu và làm tăng giá", đại biểu Lê Minh Nam nói.
Cùng với đó, cần xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược, kể cả từ bên trong và bên ngoài. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn, thì những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt khi phải nhập nhiều nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong nước. Do đó, theo đại biểu, cần có những chính sách để hỗ trợ, kiểm soát nhằm hạn chế tác động của giá trên thế giới đến thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá của đồng USD tăng cao khiến doanh nghiệp khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước cũng tăng cao, dẫn đến tác động tăng chi phí, giá thành và tạo áp lực tăng giá đối với sản phẩm nội địa.
Vì vậy, cũng cần quan tâm đến việc thực hiện các chính sách để kiểm soát các mặt hàng này cũng như bảo đảm nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
"Nếu mặt hàng nào không thể can thiệp bằng các công cụ pháp luật về giá mà phải vận hành theo cơ chế thị trường, thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ để điều chỉnh giảm giá bán các mặt hàng này, đặc biệt trong thời điểm tăng lương, đại biểu đề nghị.
Ngoài ra, cần thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra để kiểm soát việc thực hiện về giá; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để giúp cho công tác quản lý giá đạt được kết quả cao hơn.
Về dài hạn, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần thực hiện tốt các chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới khi việc tăng trưởng đặt ra chỉ tiêu rất cao và lạm phát giảm.