Về nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, cần xác định mục tiêu cốt lõi của văn hóa “cần hình thành, cần bồi dưỡng, cần phát huy gì trong 10 năm tới?”. Đại biểu đề xuất, Chương trình mục tiêu quốc gia này chỉ nên là chương trình về phát huy giá trị văn hóa, đạo đức để tập trung nguồn lực đầu tư. Bởi hiện nay bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì còn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu không xác định mục tiêu cốt lõi một cách rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng dàn trải, chồng lấn, trùng lặp với các chương trình đang thực hiện.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, mục tiêu tổng quát gồm 7 nội dung là quá rộng, khó đạt được mục tiêu cụ thể. Còn nếu thực hiện mục tiêu cụ thể thì 10 năm nữa sẽ không đạt được mục tiêu tổng quát. “Cách thức tiếp cận và nhiệm vụ thực hiện của chương trình không khác gì cách thức chúng ta đang thực hiện. Vậy 10 năm tới liệu có phát huy được những gì chúng ta mong muốn theo mục tiêu tổng quát hay không?. Đặc biệt, nguồn lực sử dụng rất lớn, trên 256.000 tỷ cho cả hai giai đoạn” - đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Thanh Thúy nhấn mạnh, hiện nay điều kiện, phương thức sinh hoạt của con người đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Tác động của công nghệ số đối với việc tiếp nhận văn hóa, phát triển văn hóa cũng đã khác. Do đó, cần rà lại các nội dung để tránh đầu tư dàn trải và lãng phí.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Đắc Vinh (Tuyên Quang) cho rằng, văn hóa là vấn đề lớn, toàn diện, bao gồm rất nhiều vấn đề, không thể một lúc thực hiện hết nhưng ít nhất là những vấn đề lớn nhất phải tập trung thực hiện. 10 nhóm giải pháp đã được rà soát rất kỹ theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030... Tất cả những nội hàm đó được tổng hợp lại để xác định mục tiêu và đưa ra nhóm giải pháp.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đồng tình với đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy bởi văn hóa là vấn đề rất rộng, là nền tảng xã hội, nhìn đâu cũng thấy. Do vậy, khó nhất là chọn nội dung gì để tập trung thực hiện.
Cũng liên quan đến các nội dung thành phần của chương trình, ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá cụ thể những nội dung nào mang tính đột phá. Hiện các nội dung chương trình vẫn mang tính liệt kê, có những nội dung thường xuyên mà các địa phương vẫn đang tổ chức triển khai thực hiện.

Về nguồn lực thực hiện chương trình, ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao và khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đại biểu lấy ví dụ như ở tỉnh Sơn La, ngân sách tỉnh đối ứng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 5%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 3%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 100%. Tổng số vốn ngân sách địa phương thực hiện là 218.235.000.000 đồng. Với một tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã phải đối ứng từ ngân sách địa phương rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể, có phân định tỷ lệ đối ứng sao cho phù hợp, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.