Thu hút dòng vốn FDI ổn định
Mới đây, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022” (PCI 2022). Theo đó, kết quả đánh giá và xếp hạng về PCI, chỉ số PCI năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh tuy tụt 13 bậc từ vị trí thứ 14/63 (năm 2021), lùi về vị trí thứ 27/63 (năm 2022) nhưng vẫn là 1 trong 10 địa phương được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá có triển vọng tốt về môi trường đầu tư (xếp ở thang điểm 33,3).

Trong 2 tháng đầu năm 2023, thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố cho thấy, có 103 dự án vốn FDI với tổng số vốn gần 99 triệu USD đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký. Trong đó, có 305 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với số vốn góp đăng ký tương đương 199,7 triệu USD.
Dẫn đầu là Singapore với hơn 77,88 triệu USD (chiếm 78,67% tổng vốn đăng ký cấp mới) và hơn 120,65 triệu USD góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn. Ngoài ra, có 29 dự án được cấp phép từ những năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 70,4 triệu USD.
Với hơn 53,54 triệu USD (chiếm hơn 54%), lĩnh vực xây dựng hiện dẫn đầu về tổng số vốn đăng ký cấp mới, xếp sau là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với số vốn cấp mới hơn 31,27 triệu USD (chiếm 31,59%).
Tính đến nay, thành phố đứng thứ hai cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng giá trị vốn FDI (tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp) đạt hơn 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, thành phố chiếm 10,52% tổng vốn FDI của cả nước (3,097 tỷ USD).
Mặc dù chỉ xếp thứ tư về số dự án nhưng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại TP lại dẫn đầu về giá trị vốn đầu tư, với hơn 20,36 tỷ USD (chiếm 36,14% tổng vốn các dự án FDI còn hiệu lực).
Singapore cũng là quốc gia dẫn đầu về số vốn FDI vào thành phố với hơn 14 tỷ USD (chiếm 24,9% tổng vốn của các dự án FDI còn hiệu lực), đồng thời xếp thứ hai sau Hàn Quốc về số dự án (1.677 dự án).
Nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư
Kết quả báo cáo PCI 2022 cũng cho thấy, xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được duy trì. Những chuyển động đáng chú ý bao gồm chất lượng giải quyết thủ tục hành chính gia tăng; gánh nặng chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và thanh kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm; việc tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, phản ánh từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2022 cho thấy, chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nỗ lực hơn trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đối với TP. Hồ Chí Minh, để tiếp tục duy trì ổn định dòng vốn FDI, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, triển khai nhiều kế hoạch cải thiện chỉ số PCI, đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ công tác đầu tư, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến về sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp…
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chủ đề năm 2023 của thành phố là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”. Theo đó, để việc thực hiện chủ để năm hiệu quả, thành phố sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính hiệu quả hơn, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp, đồng thời làm rõ trách nhiệm hành chính của các cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng cá nhân.
Mặt khác, thành phố đang xin Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Theo đó, có các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, đất đai, các ngành, lĩnh vực, thu hút các nhà đầu tư, phát triển khoa học - công nghệ được chú trọng đổi mới theo hướng đơn giản thủ tục hành chính để đạt hiệu quả cao hơn.
Dự kiến đến tháng 5.2023, Quốc hội sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố, và nếu được thông qua, thành phố sẽ đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng sớm hơn, kể cả hệ thống metro. Đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền cho thành phố chủ động hơn trong việc giải quyết các thủ tục.
"Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là kết nối giao thông, luôn là một trong những ưu tiên của thành phố. Trong dài hạn, kinh phí ngân sách đầu tư các dự án giao thông sẽ chiếm khoảng 50% trong tổng ngân sách đầu tư chung, riêng trong năm 2023 tỷ lệ này sẽ chiếm đến 70%", đại diện lãnh đạo thành phố thông tin.