
Theo Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình, hiện nay các bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc mua các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị, do giá thành rất cao và ít sử dụng. Tuy nhiên, nếu thiếu sẽ ảnh hưởng đến công tác điều trị và tính mạng của bệnh nhân, trong khi nếu sử dụng không hết thì bệnh viện phải chịu toàn bộ chi phí mua sắm. Do đó, ngành y tế thành phố cần khẩn trương có trung tâm thuốc hiếm, thuốc đặc trị để kịp thời phân phối về các bệnh viện khi có nhu cầu.
Các đại biểu HĐND thành phố cũng cho rằng, công tác dược lâm sàng, phát triển đội ngũ dược sĩ lâm sàng tại các cơ sở y tế rất quan trọng. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình điều trị, thành phố cần triển khai công tác dược lâm sàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền đang lưu hành hiện nay còn chưa chặt chẽ. Do vậy, ngành Y tế thành phố cần có các biện pháp thực hiện nhằm kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền trên địa bàn. Thành phố cần định hướng phát triển khu phố đông y để vừa bảo đảm phát triển ngành đông y, quản lý tốt chất lượng dược liệu, vừa tạo sức thu hút trong chiến lược du lịch Y tế.
Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhận định, thời gian qua UBND thành phố, các sở, ngành, địa phương đã có sự tập trung, quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược, bước đầu hình thành các khoa đông y tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, góp phần đưa thuốc đông y vào chăm sóc sức khỏe người dân.

Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tập trung giải pháp, nguồn lực thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển công nghiệp dược TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó tập trung hoàn chỉnh quy hoạch công nghiệp dược, công nghiệp hoá dược, quy hoạch vùng nguyên liệu dược, nuôi trồng dược liệu; nguyên liệu sản xuất thuốc. Quy hoạch các loại dược liệu phù hợp với đặc thù điều kiện tự nhiên; tạo các chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến chế biến, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu…
Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển các doanh nghiệp sản xuất, nghiên cứu thuốc; có giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương kêu gọi đầu tư các dự án y tế theo phương thức đối tác công tư theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, quản lý có hiệu quả hệ thống sản xuất, phân phối thuốc, cung ứng thuốc; quản lý hiệu quả đơn thuốc bán lẻ tại hệ thống nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc nhằm theo dõi việc sử dụng thuốc của người dân; nghiên cứu xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát về sử dụng thuốc trên người bệnh…
Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc đáp ứng nguy cơ dịch bệnh của thành phố. Kịp thời hỗ trợ đăng ký sáng chế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu cho các doanh nghiệp, nhất là ngành dược đông y.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, thời gian qua, ngành Y tế thành phố đã tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, đã chú trọng công tác theo dõi sát tình hình cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của các đơn vị trực thuộc.
Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược, thành phố có hệ thống phân phối rộng khắp từ nội thành đến ngoại thành, có những mô hình đặc thù như “Chợ thuốc Quận 10”, “Phố đông y Quận 5”; với sự đa dạng đó, vừa giúp cho việc tiếp cận thuốc của người dân dễ dàng, nhưng cũng là một thách thức trong công tác quản lý.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nhanh chóng tham mưu UBND thành phố giải pháp khắc phục ngay những mặt còn tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền. Khẩn trương tham mưu, kiến nghị ngay các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến cấp số đăng ký thuốc, việc thành lập trung tâm dự trữ thuốc hiếm quốc gia…