Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hội trường Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trực tuyến tại 35 điểm cầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương với gần 1.500 đại biểu do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương chủ trì.
Theo báo cáo, 5 năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam"; huy động tối đa các nguồn lực, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, vận dụng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án. Trong đó, nhiều mô hình phát huy tốt hiệu quả phải kể đến như: Dân hỏi cơ quan chức năng trả lời; Tổ quốc và người chiến sĩ; Phụ nữ với pháp luật; Phong trào tự quản ngư trường bến bãi; Tổ tàu thuyền đoàn kết; Ăn sáng cùng ngư dân…
Một điểm sáng nữa là tổ chức thành công các chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", các cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương", thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam… Bộ Quốc phòng đã biên soạn, in ấn, phát hành 15.000 cuốn Luật Cảnh sát biển Việt Nam, 20.000 đề cương tài liệu, hơn 350.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cùng nhiều tài liệu khác, cấp phát cho các cơ quan, đơn vị đầu mối. Các địa phương có biển đã duy trì hiệu quả hơn 1.200 tủ sách pháp luật, với hơn 3.000 đầu sách, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Cấp tỉnh (thành phố) tổ chức trên 72 hội nghị tập huấn cho 42.500 lượt người. Cấp huyện, quận, thị xã tổ chức trên 740 hội nghị tập huấn cho 136.200 lượt người… Việc thực hiện tốt đề án đã góp phần quan trọng đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam luật đi vào cuộc sống; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân ngày càng được nâng lên; từng bước hạn chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa phương.
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, khai tác IUU, tội phạm ma túy; góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân trên biển vững chắc.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự thảo luận làm rõ các ưu điểm, khuyết điểm, những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện đề án, xác định phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Qua đó, nêu rõ các hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện đề án, như công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa chặt chẽ. Nội dung, hình thức tuyên truyền ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị có thời điểm chưa đa dạng, phong phú, chưa sát với đối tượng, đặc điểm địa bàn. Mức độ nhận thức, ý thức chấp hành luật của một bộ phận Nhân dân chưa vững chắc. Tình trạng vi phạm pháp luật trên biển, ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện đề án.
Về phương hướng thời gian tới, hội nghị xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhất là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng, thiết chế văn hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Cảnh sát biển Việt Nam.