
Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện các các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội và đại biểu cử tri 3 quận.
Tin tưởng vào những quyết sách quan trọng

Tại cuộc tiếp xúc, sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ Tám và việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ lần tiếp xúc trước, các cử tri bày tỏ phấn khởi, đồng tình trước những việc làm quyết liệt, khẩn trương, tinh thần trách nhiệm cao, Trung ương đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính cách mạng, đột phá, tạo nền tảng để phát triển đất nước. Nhiều chủ trương lớn có tầm nhìn rộng, sắc bén, linh hoạt, tận dụng thời cơ đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững.
Cử tri nhấn mạnh, thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gần đây ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đây là thời điểm cần sự đoàn kết chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cử tri đề nghị, cần rà soát, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ thận trọng, kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đánh giá, phân loại cán bộ khách quan, công khai, dựa trên kết quả quá trình làm việc. Đối với tài sản công là các trụ sở chính quyền, cơ quan dôi dư sau sáp nhập, sắp xếp tinh gọn, cần có định hướng, giải pháp để sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.

Cử tri đề nghị Trung ương, bộ, ngành liên quan sớm có thông tin cụ thể về lộ trình, tiến độ; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết chế độ cho đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố. Khi xem xét vấn đề đặt tên cho đơn vị mới sau khi sáp nhập tỉnh thành và địa phương, cử tri cho rằng cần cân nhắc đến bản sắc văn hóa, yếu tố vị trí chính trị, kinh tế, lịch sử địa phương.
Đánh giá cao việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, khoa học hơn, cử tri kiến nghị, trong quá trình soạn thảo các dự án luật cần thực hiện tốt quan điểm của Đảng "Lấy dân làm gốc"; "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; hướng về cơ sở; có tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện luật đã ban hành; nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan, để có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; nghiên cứu các văn bản pháp luật của nước ngoài có liên quan để tiếp thu trí tuệ của nhân loại, có thể vận dụng vào Việt Nam...
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, cử tri đánh giá, phong trào "Bình dân học vụ số" ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”, cử tri cho rằng, mỗi đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể và có báo cáo hàng tuần để từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện; hình thức triển khai phong phú gần gũi với người dân, thường xuyên chia sẻ rút kinh nghiệm; thu thập ý kiến đánh giá, góp ý của nhân dân để có những điều chỉnh phù hợp.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri, cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến phát triển hệ thống giao thông, phải chú trọng phát triển hơn nữa đường sắt, đường hàng không, đường bộ; việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, cần thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, thời gian thi công, chất lượng công trình; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên…
Gợi ý hai vấn đề Hà Nội quan tâm nghiên cứu triển khai
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; bày tỏ xúc động trước tình cảm, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân về các đường lối, chủ trương phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư chia sẻ, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến phức tạp, gần đây nhất là tác động mạnh của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, đặt ra nhiều thách thức mới. Trung ương phải rà soát, xem xét lại tình hình kinh tế để củng cố nền kinh tế, gia tăng sức bền, khả năng chống đỡ, tăng cường thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, tránh phụ thuộc, tránh bị động. Tuy có khó khăn, nhưng chúng ta kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.
Về việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tất cả các công việc liên quan đang được thực hiện rất khẩn trương, không để chậm trễ, tiến độ được kiểm tra, kiểm soát từng ngày. Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tổng Bí thư lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: Sáp nhập các xã, phường quá rộng không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân. Sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Về dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư cho biết, văn kiện lần này bổ sung nhiều nội dung rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới trong phát triển đất nước. Nhất là những vấn đề cốt lõi như: "xác lập mô hình tăng trưởng mới"; "xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới" "đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia"; phát triển kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"… Thời gian tới, Trung ương sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện, tới đây sẽ đưa dự thảo văn kiện về địa phương thảo luận góp ý, đồng thời lấy ý kiến để văn kiện đạt chất lượng cao nhất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, làm căn cứ để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân trong giai đoạn mới.

Tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư chia sẻ 3 nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của đất nước: Một là, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam ổn định, hòa bình. Hai là, phát triển đất nước đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, năm 2045 - 100 năm nhà nước Việt Nam độc lập, trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Ba là, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện những điều mong muốn của Bác Hồ là ai cũng được ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành.
Ghi nhận những kết quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua, đã đóng góp vào thành tựu phát triển chung của cả nước, Tổng Bí thư mong muốn Hà Nội tiếp tục nỗ lực, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết đặt ra, nhất là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường (không khí, ô nhiễm sông)...
Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý hai vấn đề Hà Nội quan tâm nghiên cứu triển khai trong thời gian tới: Cần có chuyên đề bảo đảm an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe nhân dân, du khách và hình ảnh của Thủ đô, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè gây mất trật tự an toàn giao thông; cần tiếp tục chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và chính sách học đường, bảo đảm chất lượng dạy và học, tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất và toàn diện cho mọi trẻ em trên địa bàn, thành phố cần tính toán, nghiên cứu, gương mẫu đi đầu triển khai hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường, tăng dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe cho học sinh.
Cũng tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư đã trả lời những quan tâm của cử tri, đồng thời đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan của thành phố ghi nhận toàn bộ ý kiến cử tri, rà soát các nội dung để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và Quốc hội giải quyết.