Được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17.3.2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết số 695/2008/UBTVQH12 ngày 15.10.2008, trải qua 20 năm hoạt động, Ban Dân nguyện với nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) theo quy định của pháp luật về tiếp công dân. Cùng với đó, Ban giúp UBTVQH trong việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để nghiên cứu, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Qua đó, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, thể chế hóa nguyện vọng chính đáng của nhân dân thành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Chính với vai trò to lớn này, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, 20 năm qua, Ban Dân nguyện của UBTVQH đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, được đánh giá cao qua các nhiệm kỳ Quốc hội.
Để phát huy thành quả đã đạt được và đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới đòi hỏi công tác dân nguyện của Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động để nắm bắt, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó giúp Quốc hội tiến hành giám sát, hoàn thiện pháp luật, để các chính sách đi vào cuộc sống. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội cũng như tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội với nhân dân.
Với chủ đề “Công tác dân nguyện của Quốc hội: Đổi mới, hiệu lực, hiệu quả”, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn Tọa đàm từ chia sẻ ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá về những kết quả mà công tác dân nguyện của Quốc hội đã làm được, từ đó để tiếp tục phát huy, cũng như những vấn đề cần phải đổi mới, nâng cao trong công tác dân nguyện để đáp ứng yêu cầu trong tiến trình đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Các khách mời tham gia Tọa đàm gồm:
- Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị;
- Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường Quốc hội;
- Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục;
- Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền: Công tác dân nguyện đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh Quốc hội "Đổi mới, Trách nhiệm, Vì dân"
Kính thưa các đại biểu,các vị khách quý,
Kính thưa các đồng chí, đồng nghiệp, các phóng viên báo, đài có mặt tại cuộc Tọa đàm“Công tác dân nguyện của Quốc hội - đổi mới, hiêụ lực, hiệu quả” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức!
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để thực sự là cơ quan đại diện của Nhân dân, các hoạt động của Quốc hội đều vì Nhân dân và Quốc hội cần phải có cơ chế để lắng nghe, thu thập được đầy đủ nhất những ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, nắm bắt kịp thời nhất những phản hồi từ Nhân dân phục vụ đắc lực cho việc thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, bảo đảm các quyết sách đều bắt nguồn từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của thực tiễn. Qua đó, không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với sứ mệnh là “cầu nối” trực tiếp giữa Nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Trải qua 20 năm hoạt động, với nỗ lực không ngừng, tâm huyết, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và từng cán bộ, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, được đánh giá cao qua các nhiệm kỳ Quốc hội.
Công tác dân nguyện của Quốc hội thông qua hoạt động của Ban Dân nguyện trong suốt 20 năm qua đã giúp việc tiếp nhận thông tin từ Nhân dân, nắm bắt ý chí, nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của công dân ngày càng được nâng cao; góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, cụ thể hóa và phát huy quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Ban Dân nguyện đã ngày càng làm tốt hơn chức trách đầu mối để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đạt hiệu quả; thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trước những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, được cử tri đồng tình, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, vào việc xây dựng hình ảnh Quốc hội Việt Nam Đổi mới, Trách nhiệm, Vì dân.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới cũng như nguyện vọng của công dân, đòi hỏi công tác dân nguyện của Quốc hội cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn nữa, góp phần đắc lực củng cố niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội cũng như tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội với Nhân dân.
Với chủ đề “Công tác dân nguyện của Quốc hội - đổi mới, hiêụ lực, hiệu quả” tại buổi Tọa đàm hôm nay, tôi rất mong muốn các vị ĐBQH, nguyên ĐBQH, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Quốc hội – những người rất tâm huyết, trách nhiệm với hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có công tác dân nguyện cùng làm rõ vai trò quan trọng, những kết quả, thành tựu trong công tác dân nguyện của Quốc hội 20 năm qua để tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” giữa Nhân dân với Quốc hội, góp phần không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đặc biệt, làm rõ những vấn đề cấp bách đặt ra cần đổi mới, nâng cao trong công tác dân nguyện; hiến kế những giải pháp đột phá… để đáp ứng yêu cầu trong tiến trình đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đó là yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của công tác dân nguyện và cả địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện, không chỉ giúp cho Quốc hội gần dân, sát dân, thường xuyên đồng hành với Nhân dân để thực hiện tốt hơn các chức năng của mình mà còn thúc đẩy các cơ quan của Chính phủ xử lý những vấn đề lớn cử tri và Nhân dân bức xúc; gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, tăng cường giải quyết, trả lời để những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri không bị rơi vào “quên lãng”…
Qua đó, góp phần tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân, ngày càng củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như công tác quản lý của Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Với tinh thần đó, rất mong sự chia sẻ, trao đổi, hiến kế của các đại biểu để buổi Tọa đàm của Báo Đại biểu Nhân dân về “Công tác dân nguyện của Quốc hội - đổi mới, hiêụ lực, hiệu quả’’ thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Công tác dân nguyện - cầu nối giữa Nhân dân với Quốc hội
Với ý nghĩa là cầu nối trực tiếp và quan trọng giữa nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ và kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và việc giám sát năng lực hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức xã hội.
BTV Thanh Hà: Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi ông Lưu Bình Nhưỡng, là cơ quan trực tiếp tiếp nhận và chuyển tải các kiến nghị của nhân dân đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, từ đó thực hiện quyền làm chủ của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thưa ông, 20 năm qua Ban Dân nguyện đã đảm đương các công việc để làm tròn nhiệm vụ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân, cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội như thế nào?
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường Quốc hội:
Trước hết, tôi xin cám ơn Báo tổ chức tọa đàm rất có ý nghĩa trong thời khắc hết sức quan trọng - đánh dấu 20 năm thành lập Ban Dân nguyện.
Sau 20 năm thành lập, Ban thực hiện theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (6 nhiệm vụ) và hiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9 nhiệm vụ, trong đó có 6 nhiệm vụ căn bản).
Cụ thể, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là trực tiếp giúp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện tiếp công dân. Ban là cơ quan thường trực tếp công dân của Quốc hội, làm việc hàng ngày ở 2 trụ sở tiếp công dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã xử lý 362.811 đơn thư, trực tiếp nghiên cứu chuyển 10.481 đơn thư đến tất cả cơ quan, nhận 4.680 văn bản trả lời, trong đó nhiều vụ việc được giải quyết có kết quả tốt.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba là trực tiếp tiếp nhận, xử lý các kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội thông qua các đợt tiếp xúc cử tri chính thức của của các Đoàn Đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi Kỳ họp.
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII và XIII, đã tiếp nhận 47.816 kiến nghị. Từ Khóa XIV đến nay là 27.748 kiến nghị của cử tri. Tính chung từ trước tới nay, Ban đã tiếp nhận 75.564 kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội để xem xét các vấn đề về chính sách cùng nhiều vấn đề cụ thể.
Nhóm nhiệm vụ thứ tư là giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát tiếp công dân của các bộ, ngành, địa phương.
Nhóm nhiệm vụ thứ năm là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức.
Nhóm nhiệm vụ thứ sáu là giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Trước mỗi Kỳ họp Quốc hội bao giờ cũng có Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về xử lý kiến nghị của cử tri và Báo cáo về giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Trong đó, Báo cáo về xử lý kiến nghị của cử tri bao giờ cũng thực hiện báo cáo ngay đầu tiên của Kỳ họp - là báo cáo rất quan trọng vì liên quan chính sách.
Từ đầu Khóa XV, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, Ban thực hiện thêm nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá toàn bộ công tác dân nguyện trong một tháng để báo cáo Ủy ban. Hiện, có một báo cáo riêng là báo cáo tháng về công tác dân nguyện, được cử tri và Nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, vì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề, tiếp cận hơi thở cuộc sống.
Cùng với đó, Ban Dân nguyện còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác giống như các cơ quan khác của Quốc hội, như xây dựng đề án, nghiên cứu khoa học, cho ý kiến vào các dự thảo pháp luật, chính sách, Nghị quyết…
BTV Thanh Hà: Có thể khẳng định, dân nguyện là công tác đặc biệt quan trọng của Quốc hội. Bởi có làm tốt công tác dân nguyện thì ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri mới được cụ thể hóa bằng pháp luật và chính sách…
Thưa ông Lê Như Tiến, chính vì tầm quan trọng này nên sự ra đời và hoạt động 20 năm qua của Ban Dân nguyện đã nói lên ý nghĩa và hiệu quả rất nhiều về việc giúp Quốc hội nắm bắt tốt hơn ý chí, nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của người dân?
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục:
Về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện nhìn từ góc độ của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội có thể thấy, Hiến pháp đã quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Soi chiếu từ góc độ là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân thì phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân vào hoạt động của mình.
Còn từ Luật Tổ chức Quốc hội, ngay tại khoản 1, Điều 1 cũng quy định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân như tại Hiến pháp. Khoản 2, Điều 1 quy định: Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, lập hiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Không phải ngẫu nhiên trong Hiến Pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đều quy định, Quốc hội là cơ quan dân nguyện, chính là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và công tác dân nguyện là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Trong hoạt động, Ban Dân nguyện thay mặt và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện cho nên chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện cũng được thể hiện trong hai văn bản rất quan trọng là Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11, ngày 17.3.2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, những nhiệm vụ này tiếp tục được bổ sung đầy đủ trong Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13, ngày 17.3.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã quy định rất rõ về 9 chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.
Ban Dân nguyện là địa chỉ đáng tin cậy của Nhân dân, là nơi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, nguyện vọng của Nhân dân và của cử tri cả nước. Tôi xin đúc kết mấy câu về công tác dân nguyện như sau:
Ban Dân nguyện tuổi 20
Ban Dân nguyện vươn vai Phù Đổng
Góp cùng Quốc hội bay xa
Ban Dân nguyện được Nhân dân tin cậy
Trí tuệ, trái tim nặng nước non nhà.
BTV Thanh Hà: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ban Dân nguyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp gần 49.000 lượt người về hơn 13.000 vụ việc. Qua tiếp công dân, đã hướng dẫn bằng văn bản gần 1.200 vụ việc, có văn bản chuyển hơn 1.300 vụ đến các cơ quan có thẩm quyền và nhận được 290 văn bản cung cấp thông tin, trả lời của cấp có thẩm quyền.
Đây là sự minh chứng cho hoạt động để Quốc hội thông qua đó làm tốt chức năng giám sát tối cao, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, tác dụng, thực sự là công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Bởi các chính sách, pháp luật và các quyết sách đều có nguồn gốc, cội rễ từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thưa ông Nguyễn Công Long?
Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Về vai trò của Quốc hội, các đại biểu trước cũng đã phân tích rất rõ. Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm cho rằng Quốc hội chỉ có thể thực hiện được tất cả các chức năng của mình, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước khi nào Quốc hội làm tốt việc tiếp nhận tất cả phản ánh ý kiến, nguyện vọng nhân dân và cử tri.
Các đại biểu đều đã phân tích các con số mà công tác dân nguyện nói chung và hoạt động của Ban Dân nguyện trong suốt 20 năm qua. Tôi cũng xin nói thêm một số thông tin như trong phóng sự đầu giờ đã nêu. Mỗi năm, hàng chục nghìn lượt đơn thư, hàng chục nghìn vụ việc đã được xử lý qua công tác dân nguyện và qua xử lý của Ban Dân nguyện, có thể nói số vụ việc, số vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp của chúng tôi theo dõi là tỷ lệ rất lớn và chúng tôi cũng có kiểm tra lại tất cả các số liệu của công tác dân nguyện thì có thể nói rằng là 80% là con số thấp nhất, rất nhiều kỳ báo cáo tỷ lệ này lên đến 80 – 100% số lượng vụ việc, vấn đề mà Ban Dân nguyện chuyển đã được các cơ quan tư pháp cụ thể là hệ thống của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân giải quyết, có thông tin trả lời.
Điều đó cũng cho thấy ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng. Qua làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đồng chí lãnh đạo đều đưa vào trong quy chế là tất cả trường hợp đơn thư mà Quốc hội chuyển sang thì các đơn vị chức năng của hai ngành có trách nhiệm giải quyết, phải trả lời cụ thể.
Tuy nhiên, qua phiên chất vấn ngày hôm qua, rất nhiều vấn đề, rất nhiều vụ cụ thể chưa thể giải quyết một cách thấu đáo. Có thể nói, nhiệm kỳ vừa qua tạo ra sức chuyển rất lớn, trách nhiệm của các cơ quan khi nhận được các trường hợp để xử lý. Nói đến vấn đề này, không phải ngẫu nhiên mà trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra một trong những trọng tâm và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp thì nhiệm vụ phải công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị. Công tác dân nguyện phải đáp ứng yêu cầu trong xây dựng nhà nước pháp quyền, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội. Vậy, có một cơ quan chuyên trách về công tác dân nguyện rồi và theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội cũng như pháp luật liên quan thì Hội đồng Dân tộc, các ủy ban cũng đều có chức năng dân nguyện thì điều này có bị chồng chéo không?
Qua quá trình phối hợp thực hiện theo sự điều phối, sự chỉ đạo của UBTVQH cũng như công tác phối hợp, chúng tôi thấy rằng không có chồng chéo, thậm chí là quan hệ phối hợp tốt hơn, đảm bảo hiệu quả hơn. Đặc biệt là trong giám sát cũng như thu nhận tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cử tri và Hội đồng Đân tộc các Ủy ban cũng thấy rõ trách nhiệm hơn, hoặc là các cơ quan chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan tư pháp cũng đều thấy rõ ràng hơn. Đặc biệt, trong cơ chế phối hợp đó, xác định những vấn đề nào là gai góc, vụ việc nào cần được xử lý nhanh kịp thời để đáp ứng nguyện vọng cho nhân dân. Tôi thấy rằng, vai trò của Ban Dân nguyện trong thời gian qua làm rất tốt về công tác này. Chúng tôi phối hợp với Ban Dân nguyện thực hiện nhiệm vụ đó để báo cáo UBTVQH hàng tháng, hàng kỳ rất hiệu quả.
BTV Thanh Hà: Như vậy có thể thấy, là cầu nối trực tiếp giữa Nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Từ đó, không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thưa Ông Hoàng Đức Thắng, là cơ quan tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác dân nguyện ở đây được thông qua hoạt động của Ban Dân nguyện là cơ chế để Quốc hội qua đó làm tốt chức năng giám sát tối cao, bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, tác dụng, thực sự là công cụ hữu hiệu trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội? Xin ông chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này?
Ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị:
Theo tôi, có 4 vấn đề cần phải tiếp cận, đó là: Phải hiểu công tác dân nguyện như thế nào? Vì sao phải thực hiện công tác dân nguyện? Ai thực hiện công tác dân nguyện? Phương thức để thực hiện công tác dân nguyện là như thế nào?
Trước hết, công tác dân nguyện là viết tắt của cụm từ “dân nguyện” tức là nguyện vọng của Nhân dân. Có nghĩa là thỉnh cầu, mong muốn đề đạt nguyện vọng tâm tư của người dân được gửi đến một cơ quan công quyền nào đó để giải quyết những mong muốn người dân đề đạt.
Công tác dân nguyện có thể hiểu là việc nắm bắt, tập hợp tâm tư ý kiến, nguyện vọng của người dân và sau đó xem xét, giải quyết, giám sát việc giải quyết đó. Công tác dân nguyện cũng là tập hợp những ý kiến, kiến nghị, góp ý sáng kiến của người dân để phản hồi lại với các cơ quan Nhà nước về các chính sách pháp luật đúng, trúng như thế nào, còn vấn đề gì cần phải điều chỉnh từ lăng kính thực tiễn.
Thứ hai, vì sao phải thực hiện công tác dân nguyện? Theo tôi, công tác dân nguyện nhằm bảo đảm quyền dân chủ của người dân, qua đó bảo vệ, khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; đồng thời, xử ký kịp thời, chính xác, nghiêm minh những hành vi vi phạm đến quyền của công dân.
Công tác dân nguyện là lăng kính tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, sáng kiến của người dân để giúp cho các cơ quan Nhà nước nhìn nhận cơ chế chính sách, đường lối của mình; từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Thứ ba, ai làm công tác dân nguyện? Cần thấy rằng, công tác dân nguyện là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Không chỉ cơ quan đại diện của dân mà còn là trách nhiệm của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò người đứng đầu. Người đứng đầu là người có trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý để tiếp nhận, xem xét, xử lý các kiến nghị của người dân. Rõ ràng, công tác dân nguyện là công tác của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò người đứng đầu.
Có 2 thuật ngữ: Công tác dân vận và công tác dân nguyện, có điểm chung là gì? Tôi cho rằng, công tác dân nguyện là công tác vận động các tầng lớp Nhân dân để thực hiện mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước, của một tổ chức nào đó… Còn công tác dân vận là công tác tiếp nhận ý kiến, kiến nghị nguyện vọng người dân để xem xét, kiến nghị giải quyết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Điểm giao thoa của nó là Nhân dân. Vận động Nhân dân để thực hiện chủ trương, chính sách nhưng đồng thời phải có nghĩa vụ và trách nhiệm để bảo đảm thực hiện các quyền lợi ích chính đáng của người dân.
Thứ tư, phương thức thực hiện công tác dân nguyện như thế nào? Lâu nay, vẫn nghĩ công tác dân nguyện chỉ là công tác tiếp nhận ý kiến, chuyển ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cái này chỉ là một nửa vấn đề. Theo tôi, quan trọng quyết định nhất là tiếp nhận ý kiến, xử lý chuyển nguyện vọng đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiến nghị xử lý việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân đến đâu, như thế nào? Đây mới là trọn vẹn của công tác dân nguyện.
Có một nội hàm lâu nay còn thiếu, đó là nguyện vọng Nhân dân đã đi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì giải quyết đến đâu và giải quyết như thế nào? Cái chế tài để xử lý trách nhiệm này, sau này pháp luật phải làm rõ… Có như vậy mới bảo đảm quyền năng của cơ quan dân nguyện và giá trị pháp lý.
Người làm công tác dân nguyện không thể xuất phát trong “phòng lạnh bàn giấy” mà phải có phương pháp gần gũi, bám sát người dân. Đó là chân đi, tai nghe, mắt trong, óc nhìn, tay làm… xắn tay áo cùng giải quyết những vấn đề người dân đang bức xúc.
BTV Thanh Hà: Xin mời ý kiến ông Lê Như Tiến?
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục:
Tôi cho rằng, ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân là máu thịt của Nhân dân đối với viêc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Công tác dân nguyện là công tác rất rộng và không chỉ dừng lại ở việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo.
Như các đại biểu đã khẳng định, công tác dân nguyện là tiếp nhận, xử lý, chuyển đến các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, rồi kiến nghị và tái giám sát. Để thực hiện tốt hơn công tác dân nguyện, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những nhiệm vụ đã làm và chưa làm tốt để tìm nguyên nhân của những hạn chế ở đâu. Chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện, liên kết tất cả chức năng, nhiệm vụ của công tác dân nguyện như quy định tại Nghị quyết 370/2003/NQ-UBTVQH11 và Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13 để đi đến cùng và giải quyết triệt để vấn đề.
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt của Nhà Xuất bản Văn hoá thông tin thì công tác dân nguyện được định nghĩa rất rõ ràng, dân nguyện là nguyện vọng của nhân dân. Có phụ đề rất dài về vấn đề này của Trung tâm ngôn ngữ học Việt Nam ghi rõ dân nguyện là việc công dân đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xét xem, giải quyết nguyện vọng có liên quan đến quyền và ích lợi chính đáng của nhân dân. Như vậy, có thể thấy công tác dân nguyện có dư địa lớn trong hoạt động….
BTV Thanh Hà: Xin mời ý kiến của ông Nguyễn Công Long?
Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Vai trò và tầm quan trọng công tác dân nguyện đã rõ rồi, chúng tôi nói thêm khía cạnh mang tính chất kỹ thuật, làm sao để có hiệu quả hơn. Tôi thấy khi điều phối và đưa công tác dân nguyện hàng tháng ở UBTVQH là điểm đổi mới rất có nghĩa. Việc lựa chọn vấn đề nào, nội dung gì cần thiết phải làm rõ, phải được giải quyết theo tính chất cấp bách để lựa chọn. Còn vấn đề đó thuộc ủy ban nào phụ trách, cần làm việc với ai để thực hiện thì ủy ban chuyên môn đó thực hiện mang lại hiệu quả hơn.
Nhìn nhận một cách khách quan, từ nhiệm kỳ này vai trò dân nguyện hiệu quả hơn, cơ chế vận hành công tác dân nguyện đã có đổi mới.
BTV Thanh Hà: Có thể thấy thời gian qua, công tác dân nguyện của Quốc hội đã có nhiều hoạt động rất cụ thể từ công tác tiếp nhận thông tin của nhân dân, nắm bắt ý chí, nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của người dân. Ban Dân nguyện đã làm tròn chức trách đầu mối giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri…
Thưa ông Nguyễn Sỹ Dũng, những đánh giá của ông về tầm quan trọng của công tác dân nguyện đã và đang làm được để xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Quốc hội là cơ quan đại diện, nếu đã là đại diện thì phải hiểu ý nguyện của người dân, hiểu họ muốn cái gì. Bản chất của thiết chế nghị viện hay Quốc hội đòi hỏi phải có bộ phận làm việc với Nhân dân, ý nguyện của Nhân dân, làm việc với người mà mình đại diện, đó là nguyên tắc. Nghe ý kiến kiến nghị của người dân là những người do người dân bầu ra, phụ thuộc vào lá phiếu của người dân.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng Quốc hội chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Như vậy, nếu cơ chế này không vận hành thì thực chất cả hệ thống không vận hành. Khắp nơi trên thế giới không có Quốc hội hay nghị viện nào không làm công tác dân nguyện và người ta có các mô hình khác nhau để làm
Không có dân nguyện, không tiếp cận dân nguyện thì xác lập ưu tiên quốc gia sẽ sai. Với 90 triệu dân, 63 tỉnh thành, 53 dân tộc và nhiều vùng miền rất khác nhau thì phải phản ánh vấn đề gì cho đúng ý nguyện của Nhân dân. Nếu làm không khéo, không tinh thì lại đi giải quyết vấn đề “cá nhân” cho một vài tỉnh, thành phố.
Công tác dân nguyện rất quan trọng vì làm cho cả hệ thống này chính danh. Muốn nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân, phải đặt toàn bộ sự chính danh của hệ thống này phụ thuộc vào việc phản ánh dân nguyện và xử lý dân nguyện như thế nào.
Công tác dân nguyện trong tiến trình đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
Công tác dân nguyện của Quốc hội thông qua đầu mối là Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 20 năm qua đã đảm đương được nhiệm vụ và vai trò rất to lớn. Trong đó, cụ thể nhất là đã giúp Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân; tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri…Nhờ đó, đã giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân đạt hiệu quả, qua đó thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan, người đứng đầu trước những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, được cử tri đồng tình, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội, Đảng, Nhà nước nói chung. Vấn đề này đã được ghi nhận đánh giá cao ở nhiều góc độ. Trong đó, qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến đánh giá cao uy tín của Quốc hội về công tác dân nguyện mà đầu mối thực hiện là thông qua Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của công dân trên thực tế thì công tác dân nguyện của Quốc hội cần phải được tiếp tục quan tâm, cơ quan chuyên môn thực hiện công tác dân nguyện cần được luật hóa và xác định đúng vị trí pháp lý trong bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. Nhất là trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nhanh thì ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng nhiều là khách quan...
BTV Thanh Hà: Công tác dân nguyện đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp xác định Nhà nước chúng ta là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dân, theo đó, trong tiến trình đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, công tác dân nguyện cần xác lập vị trí pháp lý như thế nào để xứng tầm và đảm đương được nhiệm vụ của mình thưa ông Lưu Bình Nhưỡng?
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường Quốc hội:
Các đại biểu vừa nêu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân nguyện. Tôi cho rằng, chúng ta cần phân biệt rõ công tác dân nguyện của hệ thống dân cử, công tác dân nguyện của Quốc hội - với tư cách là một chế định, tư cách là cơ chế pháp lý để làm tròn nhiệm vụ của cơ quan đại diện (ở đây mang tính 2 chiều: vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để thế chế chính sách pháp luật, vừa thực hiện trả lời nhân dân tất cả vấn đề đó); và vấn đề hoàn thiện Ban Dân nguyện. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Ban Dân nguyện chỉ là thiết kế một trong những đầu mối để thực hiện công tác dân nguyện của cơ quan dân cử.
Ở đây, có hai vấn đề.
Một là, muốn nâng tầm Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thì tất cả hệ thống dân cử nói chung và hệ thống của Quốc hội nói riêng phải thực hiện tốt công tác dân nguyện.
Hai là, Quốc hội, HĐND muốc thực hiện tốt công tác dân nguyện phải có cơ quan đầu mối tương xứng với tính chất nhiệm vụ, chứ không thể đặt nó ở vị trí rất thấp kém, nhỏ nhoi nhưng lại yêu cầu làm việc rất lớn. Từ chức năng, nhiệm vụ, cần xem xét tổ chức bộ máy nhân sự cùng các điều kiện cho nó.
Bàn về công tác dân nguyện, ở đây chỉ nói riêng Quốc hội thì phải có một đầu mối thực hiện công tác dân nguyện. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Nguyễn Sĩ Dũng đã nêu là nên tổ chức mô hình cho phù hợp. Ở Việt Nam, mô hình Ủy ban Dân nguyện là thích hợp nhất. Muốn tổ chức mô hình này, cần lưu ý 4 vấn đề sau.
Thứ nhất, phải quán triệt lại chủ trương về mặt chính trị, thực hiện theo quy định, chủ trương của Đảng là nghiên cứu để chuyển các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện. Do vậy, để thực hiện theo mô hình này (Ủy ban Dân nguyện), đòi hỏi phải thống nhất, quán triệt thực hiện chủ trương từ cấp ủy Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, phải sửa đổi và ban hành các đạo luật cho phù hợp. Ví dụ, trong Hiến pháp có thể xem xét ghi rõ: Quốc hội phải thực hiện tốt công tác dân nguyện, quy định là công tác của hệ thống cơ quan dân cử; thiết lập luật riêng về dân nguyện, hoạt động dân nguyện…
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế hoạt động dân nguyện. Chúng ta có thể chế chính trị, có thể chế pháp lý mà không có cơ chế để tổ chức hoạt động, không có cơ cấu, thủ tục, trình tự… thì công tác dân nguyện sẽ chỉ dừng chân tại chỗ.
Cuối cùng, thiết kế bộ máy, nhân sự cùng các điều kiện khác để tương xứng. Tất cả phải được thiết kể cả về phương tiện vật chất và phi vật chất mang tính đồng bộ.
Phải khẳng định rằng, dân nguyện không phải là thùng thư mà là bộ lọc, bộ xử lý rất tinh vi về chính sách, vì nó còn giám sát, đôn đốc, đưa ra kiến nghị… Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thiết kế hệ thống chính sách, hệ thống pháp luật, hệ thống bộ máy, phải giao cho nó các điều kiện, đồng thời tăng cường hơn khả năng phối hợp với cơ quan, tổ chức khác để thúc đẩy công tác dân nguyện.
Có lẽ, cũng cần đặt ra vấn đề liên kết, kết nối công tác dân vận của Đảng và dân nguyện của Quốc hội. Khi đó, sẽ làm tốt công việc đối với người dân. Cần phối hợp các giải pháp để công tác dân nguyện thực sự đi vào chiều sâu chứ không phải bồng bềnh như hiện nay: Cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng lại làm công việc của Quốc hội là không phù hợp.
BTV Thanh Hà: Xin mời ý kiến của ông Lê Như Tiến về vấn đề này?
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục:
Nếu như công tác dân nguyện được đặt trong một cơ quan thuộc UBTVQH thì chỉ hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan thuộc UBTVQH. Còn nếu là Ủy ban của Quốc hội thì vị thế, địa vị pháp lý sẽ cao hơn. Như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của chúng tôi là 100% là đại biểu Quốc hội.
Nếu là một cơ quan thuộc UBTVQH thì chỉ một, hai đại biểu Quốc hội, còn phần lớn là công chức nhà nước. Thế thì, vấn đề đặt ra là những công chức nhà nước có thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, của một chính khách không, rõ ràng là không thực hiện được. Vì thế, tôi thấy rằng, việc nâng cao địa vị pháp lý không chỉ là nâng cao thẩm quyền, địa vị của công tác dân nguyện, của Ủy ban Dân nguyện mà còn nâng cao vị thế, chất lượng và tổ chức đội ngũ của Ủy ban này. Đó là cùng với các Ủy ban khác là đầu mối để thưc hiện công tác dân nguyện.
Không phải là có Ủy ban Dân nguyện thì các Ủy ban khác không làm công tác dân nguyện nữa mà họ làm công tác dân nguyện theo chức năng, nhiệm vụ của từng Ủy ban. Còn Ủy ban Dân nguyện sẽ là đầu mối giúp Quốc hội chứ không phải giúp UBTVQH nữa. Còn “điểm nghẽn” ở đây chính là nhận thức… chứ không phải sự chồng chéo về chắc năng, nhiệm vụ.
Tôi đặc biệt quan tâm đến 4 trong 9 nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13. Khoản 4, Nghị định này quy định là giúp UBTVQH theo dõi, đôn đốc, nhưng tôi thấy nên thêm chữ là “giúp Ủy ban Thường vụ sàng lọc, xử lý”, ít nhất là phải xử lý rồi mới theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện.
Điều 2, khoản 5 của Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13 quy định là tham mưu giúp UBTVQH hướng dẫn đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân. Vậy, chúng ta đã tham mưu giúp UBTVQH hướng dẫn đoàn đại biểu Quốc hội như thế nào? Hướng dẫn các vị đại biểu Quốc hội thế nào và hướng dẫn Thường trực Hội đồng Nhân dân của các tỉnh, thành làm công tác dân nguyện như thế nào? Những nhiệm vụ này cũng phải làm rõ khi có đổi mới. Cần có quy định là định kỳ hàng quý hay hàng tháng là kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các Thường trực Hội đồng Nhân dân không?
Công tác dân nguyện là công tác của cả hệ thống, từ Trung ương là Ban Dân nguyện và đến xuống đến đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Công tác dân nguyện không chỉ của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, mà Đảng và Chính phủ cũng phải làm công tác dân nguyện.
Khoản 8, Điều 2, quy định, thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với UBTVQH những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và sửa đổi, bổ sung pháp luật. Người dân hiến kế, có sáng kiến, có kiến nghị về chính sách pháp luật thì công tác dân nguyện là một cầu nối hiệu quả.
Trong việc đổi mới của Quốc hội thì đổi mới về tổ chức, phương thức, đổi mới về hoạt động. Việc nâng cấp Ban Dân nguyện theo tôi chúng ta nên tập trung vào trong 9 chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt là tập trung vào các khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 8 của Nghị quyết 1156/2016/UBTVQH13.
BTV Thanh Hà: Cùng với thực tế hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang phát triển hội nhập sâu rộng với thế giới, kinh tế - xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đóng góp cho xây dựng phát triển đất nước là khách quan…
Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của công tác dân nguyện và cả địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện- là cơ quan đầu mối thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội cũng cần phải có những bước đi thích hợp, thưa ông Nguyễn Sỹ Dũng?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Thực chất vận hành công tác dân nguyện thì trên thế giới có 2 mô hình: Thanh tra Quốc hội và Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội.
Thanh tra Quốc hội là mô hình của Thụy Điển, Đan Mạch và 50 quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Đây là cơ quan chuyên môn gồm các luật sư cựu thẩm phán rất giỏi về pháp luật, họ xem xét vào từng khiếu nại tố cáo và họ xử lý được vì không phải chính khách mà là các nhà chuyên môn. Ở Thụy Điển, mô hình này cực mạnh vì có quyền truy tố. Còn ở Đan Mạch thì chỉ có quyền như thanh tra, đề nghị, khuyến nghị.
Tuy nhiên, đa số các nước khác thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội. Nếu như mô hình Thanh tra Quốc hội là cơ quan chuyên môn của Quốc hội tương đối độc lập thì mô hình Ủy ban Dân nguyện là một thiết chế chính trị để giải quyết các vấn đề dân nguyện.
Tôi đánh giá cao về mô hình Ủy ban Dân nguyện vì thực chất trong vấn đề khiếu nại, tố cáo chỉ là một phần nhỏ, còn dân nguyện thì rất rộng, nó là ý nguyện, là mong muốn, sáng kiến, khuyến nghị của người dân. Mô hình này rất phù hợp ở nước ta.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, chúng ta nên có thiết chế ở tầm nghị viện, đó là Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội. Trên thế giới, nếu chỉ có 50 nước thành lập Thanh tra Quốc hội thì đa số các nước trên thế giới lại có Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội hoặc đưa vào trong một ủy ban khác để làm việc này.
Như vậy, thành lập và vận hành Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội là rất quan trọng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động dân nguyện thì phải có quyết định rõ ràng về mặt thể chế, chúng ta chọn mô hình nào để sát thực với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, sát với mong muốn, quyền lợi của người dân.
Giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác dân nguyện
Công tác dân nguyện của Quốc hội thông qua hoạt động của Ban Dân nguyện trong suốt 20 năm qua đã đảm đương tốt nhiệm vụ, qua đó đã giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân đạt hiệu quả, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trước những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, được cử tri đồng tình, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội.
Trong tiến trình đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì công tác dân nguyện, tiếp thu ý kiến của người dân, cử tri phải tập trung cao nhất để Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân - thực hiện tốt nhất vai trò, chức năng của mình.
BTV Thanh Hà: Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội nói chung cũng đặt ra vấn đề đổi mới, nâng cao hiệu quả của tất cả các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là công tác dân nguyện là yêu cầu cấp thiết, thưa ông?
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường Quốc hội:
Qua ý kiến trao đổi của các đại biểu và qua việc nắm bắt nguyện vọng của người dân, đặc biệt khi thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, điều chúng tôi nhận thấy là nhân dân có mong muốn công tác dân nguyện phải được ghi nhận, luật hóa và nâng tầm lên. Nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIV cũng đặt ra vấn đề này.
Cần nhấn mạnh rằng, việc nâng tầm công tác dân nguyện có vai trò vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Dân nguyện đang xây dựng Đề án để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong tình hình mới, và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Song song với đó, Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ban Dân nguyện chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến tiếp công dân, đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri… Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác dân nguyện trong thời gian tới.#
BTV Thanh Hà: Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên hệ thế nào đối với việc người đứng đầu tiếp công dân mà không tiếp công dân? Việc tiếp công dân của người đứng đầu có vai trò như thế nào trong việc nâng cao giải quyết công tác dân, công tác chuyên nghiệp, thưa ông Nguyễn Công Long?
Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Việc luật quy định tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong Luật khiếu nại, tố cáo cũng đã quy định thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu. Khiếu nại lần đầu như thế nào, khiếu nại lần thứ hai thế nào thì trách nhiệm giải quyết đó gắn với thẩm quyền của người đứng đầu. Như vậy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đưa đến đúng địa chỉ của người có thẩm quyền và phải có người có trách nhiệm giải quyết nó.
Người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sẽ tiếp cận ngay từ đầu những nội dung, đối tượng bị khiếu nại, tố cáo. Từ đó, sẽ chỉ đạo việc tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng với thẩm quyền, đúng với trình tự, đúng với pháp luật.
Quy định như vậy là kết hợp đầy đủ cả ba yếu tố. Một là, pháp luật quy định người đứng đầu phải thực hiện nghĩa vụ đó. Hai là, người có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề về khiếu nại, tố cáo. Ba là, người chủ trì chỉ đạo quy trình, các bước để tổ chức thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật Tiếp công dân. Như vậy ba yếu tố này bảo đảm giải quyết điều này. Người đứng đầu tiếp công dân sẽ làm cho công tác dân nguyện có hiệu lực, hiệu quả hơn.
BTV Thanh Hà: Thưa ông Nguyễn Sỹ Dũng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện thì giải pháp đầu tiên cần phải thực hiện là gì?
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:
Thứ nhất, phải nâng cao địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện, về mặt thể chế Ban Dân nguyện phải vận hành khác và các Ủy ban của Quốc hội phải vận hành khác. Phải thành lập Ủy ban Dân nguyện là một thiết chế chính trị thì mới xử lý những mảng lớn hơn của công tác dân nguyện.
Đa số những kiến nghị của Nhândân, nếu Quốc hội không quyết thì Chính phủ cũng không thể thực hiện được. Để xử lý ở cấp lập pháp trước thì phải có một thiết chế vận hành về mặt chính trị, còn nếu chỉ để giải quyết khiếu nại tố cáo thì vẫn có thể vận hành như hiện nay.
Thứ hai, chúng ta nên nghiên cứu, học tập mô hình của các nước, tham khảo kinh nghiệm của các nước. Một trong những mô hình ở Đức là Ủy ban Dân nguyện có khoảng 120 nhân viên, chưa kể đến những nghị sĩ bên trên thúc đẩy chính sách và những vấn đề pháp lý do bên dưới xử lý.
Thứ ba, một trong những nhiệm vụ của Ban Dân nguyện hiện nay là nâng cao năng lực, tập huấn cho các đại biểu để xử lý vấn đề ngay ở cơ sở. Bởi, đa số những kiến nghị, mong muốn của từng cá nhân rất nhỏ, nếu dồn hết về cơ quan Trung ương sẽ không thể xử lý hết được. Do đó, việc tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho đại biểu Quốc hội là một phần nhiệm vụ của Ban Dân nguyện.
Để tăng tính hiệu quả, Quốc hội không chỉ dành thời gian để nghe đọc báo cáo của Ban Dân nguyện mà còn phải nghe những khuyến nghị của dân nguyện.
BTV Thanh Hà: Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân; bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của công dân trên thực tế thì công tác dân nguyện của Quốc hội cần được tiếp tục quan tâm, cơ quan chuyên môn thực hiện công tác dân nguyện cần được luật hóa và xác định đúng vị trí pháp lý trong bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng, thưa Ông Hoàng Đức Thắng?
Ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị
Thứ nhất, cần nhận thức về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của công tác dân nguyện… Công tác dân nguyện phải hiểu thuộc về thể chế chính trị chứ không phải hoạt động thông thường. Do đó, phải được thể chế hóa bằng hệ thống lý luận về mặt khoa học và tính pháp lý đầy đủ, chứ không thể nói theo cảm tính, cảm nhận. Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về công tác dân nguyện.
Thứ hai, cần nghiên cứu tiến tới ban hành đạo luật dân nguyện, song vấn đề này cần phải có thời gian. Trước mắt, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân theo hướng quy định cụ thể phạm vi giám sát và trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH và Đoàn ĐBQH trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn giám sát việc giải quyết KNTC; trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện các kết luật giám sát.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đặc biệt các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết KNTC khi nhận được đơn thư KNTC do ĐBQH chuyển đến và quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư KNTC của công dân.
Thứ ba, khẩn trương xây dựng quy trình nghiệp vụ hướng dẫn về công tác dân nguyện. Công tác dân nguyện là hoạt động mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chi phối bởi nhiều đạo luật đòi hỏi ĐBQH, bộ phận văn phòng giúp việc phải có kiến thức, phương pháp, nghiệp vụ khoa học; đồng thời, cũng là hoạt động đòi hỏi cần có kỹ năng tiếp dân, đối thoại với Nhân dân…
Thứ tư, xây dựng tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân nguyện (của các cơ quan dân cử). Hiện nay, theo các nghị quyết mới, sát nhập Đoàn ĐBQH và HĐND, riêng Phòng dân nguyện không quy định cứng. Mỗi địa phương có thể thành lập Phòng dân nguyện hoặc không… Ở đây đang thiếu sự thống nhất. Tôi cho rằng, nên có phòng công tác dân nguyện chính quy… Đội ngũ cán bộ làm công tác dân nguyện phải được đào tạo, tuyển chọn những đồng chí có nhận thức pháp luật và có kinh nghiệm.
Thứ năm, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực hoạt động dân nguyện của đại biểu dân cử. Do đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đại biểu dân cử và công chức tham mưu giúp việc… Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về công tác dân nguyện, đặc biệt là công tác xử lý đơn thư KNTC, và các ý kiến kiến nghị của người dân…
Thưa quý vị và các bạn!
Có thể khẳng định rằng, là cầu nối trực tiếp giữa nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Bởi, thông qua hoạt động dân nguyện để Quốc hội lắng nghe, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt những phản hồi từ nhân dân phục vụ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật. Đây cũng chính là cơ chế để Quốc hội thông qua đó làm tốt chức năng giám sát, bảo đảm chính sách, pháp luật đi vào cuộc. Qua đó, không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để tiếp tục hoàn thành và đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay của Quốc hội Khóa XV, rất cần chính sách tổng thể, một lộ trình cụ thể để đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện.
Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại trong lần đối thoại lần sau.