Tình yêu thời chiến qua những lá thư

Nhiều câu chuyện tình yêu đi qua chiến tranh vẫn được lưu giữ đến hôm nay trong những lá thư. Trong các trang viết mang dấu ấn thời gian không chỉ thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, mà nó còn thể hiện lý tưởng sống, hoài bão và khát khao cống hiến cho Tổ quốc. 

Minh chứng cho câu chuyện tình yêu vượt thời gian của nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Thanh Hồng cho tới ngày hôm nay là những lá thư còn lại. Nhạc sĩ Trần Hoàn nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước, Thanh Hồng là người con gái xinh đẹp và giỏi giang đất Nghệ An, từ nhỏ đã tham gia cách mạng và hoạt động trong Hội phụ nữ, sau này bà chuyển sang ngành giáo dục. Họ gặp nhau và trở thành vợ chồng vào năm 1950.

Tình yêu thời chiến qua những lá thư -2
Nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Thanh Hồng

Cũng như bao cặp vợ chồng trí thức thời chiến tranh họ luôn luôn trong hoàn cảnh xa cách. Cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước gia đình mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Tình yêu đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều động lực trong công tác và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bản nhạc nổi tiếng trong đó đặc biệt là bài “Lời người ra đi”. 

Cùng sống trong giai đoạn gian lao nhưng hào hùng ấy, từ lúc yêu cho đến lúc đã là vợ chồng, do thường xuyên phải đi công tác, vợ chồng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam luôn trong hoàn cảnh cách xa nên họ thường xuyên viết thư cho nhau. 

Nhà văn Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam biết mặt nhau từ năm 1948 khi bà là cán bộ phụ nữ trẻ của Liên khu IV tới Tiểu đoàn ông để diễn thuyết, động viên bộ đội đi đánh giặc, thi đua với hậu phương. Với gương mặt tròn, nước da trắng, đôi mắt sáng và tóc xõa ngang vai, cái đầu nghiêng nghiêng khi nói, cách nói nhanh và hấp dẫn nên bà đã thu hút được sự chú ý của tất cả chàng trai trong đơn vị, trong đó có chàng trai tên Tú Nam quê Nam Định. Khi Tiểu đoàn của ông Nam rời Thanh Hóa ra đến khu 3, đơn vị nhận được thư của một cô gái ký tên Phương Thùy gửi theo động viên, nhắc nhở chuyện thi đua. Ông Nam được anh em giao cho nhiệm vụ thay mặt đơn vị viết thư trả lời. Bắt đầu từ đó có những lá thư đi thư lại giữa người con gái ký tên Phương Thùy và ông Nam (ký tên Then). Năm 1949 khi đơn vị của ông Nam xong nhiệm vụ ở khu 3 trở về Thanh Hóa cũng là lúc ông biết và gặp được Phương Thùy, đó chính là Thanh Hương, người con gái đăng đàn diễn thuyết hôm nào. Từ đó hai nhà văn Thanh Hương và Tú Nam quen, thân nhau. 

Tình yêu thời chiến qua những lá thư -1
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam

Năm 1950 bà Hương được điều ra Việt Bắc công tác, tháng 6.1950 ông Nam cũng ra Việt Bắc làm báo Quân đội Nhân dân. Thời gian này ông bà có cơ hội gặp nhau ở một số chiến dịch. Từ 1950 những lá thư hai người viết cho nhau cũng nhiều lên và từ tình bạn họ đã chuyển dần sang tình yêu. Ngày 1.6.1952 bà Thanh Hương và ông Tú Nam đính ước. Tuy đã đính ước nhưng thời gian ông bà ở bên nhau không nhiều vì ông Tú Nam đi chiến dịch liên miên, bà Thanh Hương cũng đi phục vụ bộ đội, khi thì làm công tác hậu cần, khi thì là chính trị viên quân y... 

Đây là hai trong số câu chuyện tình yêu vượt thời gian đang được giới thiệu tại triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”, khai mạc sáng 22.7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. Thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký - kỷ vật của những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly, tình yêu Tổ quốc, tình yêu đôi lứa trong sáng, thiêng liêng khiến người xem nghẹn ngào, thổn thức xen lẫn tự hào, khâm phục.

Tình yêu thời chiến qua những lá thư -0
Những câu chuyện tình yêu qua chiến tranh được chia sẻ tới công chúng

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2022), sáng ngày 22.7, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”. Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Văn hóa - Thể thao

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.