Những hệ lụy không hề hấp dẫn
Tín dụng đen không chỉ là chuyện cho vay nặng lãi, mà hoạt động này liên quan đến rất nhiều tệ nạn xã hội khác, là hành vi phạm pháp.Hiện nay, bên cạnh những ứng dụng cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai và minh bạch, thị trường cũng xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, với lãi suất “cắt cổ” khiến người dân bức xúc. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lập các doanh nghiệp núp bóng cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền.
Chị Đặng Thị H.G, giáo viên trường THPT Lương Văn Can, Hà Nội chia sẻ, “vào giữa tháng 6 vừa rồi tôi nhận được cuộc gọi chửi bới, đe dọa từ một số máy lạ. Họ yêu cầu tôi phải phối hợp giúp họ đòi nợ của anh đồng nghiệp làm cùng. Sau đó, họ còn ghép ảnh tôi với anh đồng nghiệp rồi dựng chuyện tôi gạ gẫm, cướp chồng người khác rồi đăng vào các bài viết ở trang cá nhân của tôi. Mọi chuyện đi xa hơn tôi nghĩ, cuộc sống của tôi hoàn toàn bị đảo lộn…”.
Theo nghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng (app) liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về.
Trung tá Đinh Xuân Hải (Công an huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng thông qua các lời mời chào hấp dẫn như không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
Điều đáng nói, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. "Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để liên hệ, quấy rối, thậm chí đe doạ, xúc phạm với những người có trong danh bạ (dù không liên quan đến khoản vay) hoặc dùng mạng xã hội để quấy rối, đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… để gây áp lực với người vay phải trả tiền", Trung tá Đinh Xuân Hải nhấn mạnh.
Chủ động ngăn chặn tín dụng đen trên môi trường mạng
Theo nhận định của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính Phủ về về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu tình trạng trên do nhu cầu vay “tín dụng đen” trong nhân dân vẫn còn lớn. Việc xử lý tội phạm này gặp nhiều khó khăn do số đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự và hình sự. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, tận dụng kẽ hở giữa hoạt động dân sự và hình sự để cho vay.
Điều 201, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Đây được xem là một chế tài tương đối năng những thực tế việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người vay sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng, đồng thời lợi ích mà cho vay nặng lãi đem lại quá lớn cũng khiến nhiều người bất chấp vi phạm pháp luật để thực hiện. Bên cạnh đó, để phát hiện ra một đường dây tín dụng đen cũng không hề dễ vì tín dụng đen hoạt động không công khai, núp bóng, khiến cơ quan chức năng khó phát hiện và xử lý.
Để hạn chế, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian tới, ngành công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; không được chủ quan, không trùng xuống; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các cấp, ngành, toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này; tăng cường tuyên tuyền, nâng cao nhận thức, thường xuyên cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để đẩy mạnh các biện pháp giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng thuận lợi hơn.
“Một trong những biện pháp hết sức căn cơ hiện nay là sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, để ngân hàng thay thế vấn đề tín chấp, thế chấp tài sản bằng uy tín người vay. Các tổ chức tài chính, ngân hàng có thể xác định chính xác người vay và xuất tiền cho vay”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.