Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc

Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"

LTS: Sáng nay, 19.12, Bộ Ngoại giao khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề: Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu: 

Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng và hân hạnh được đến dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 - một Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành Ngoại giao mà còn là của toàn bộ công tác đối ngoại cả nước. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng; trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao trọng tâm cho những năm tới; đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Trước hết, tôi xin được thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, gửi tới các đồng chí, đặc biệt là các nhà ngoại giao lão thành, cùng toàn thể anh chị em cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại, ngoại giao ở trong và ngoài nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!

Thưa các đồng chí,

Như chúng ta đều biết, trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đến nhiệm kỳ khoá XIII, cụ thể là tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao"cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng

Trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức theo tinh thần vừa nêu trên đây, ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua. Nổi bật là ở 6 điểm sau đây:

Thứ nhất,chúng ta đã tổ chức quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông qua nhiều đề án đối ngoại quan trọng, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cụ thể hoá các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, lâu dài, như Nghị quyết Trung ương 8 khoá XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị về phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mê Công, công tác ngoại giao kinh tế, công tác người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đối ngoại nhân dân, v.v... Hội nghị Đối ngoại toàn quốc về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên được tổ chức đã quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp đã tích cực cụ thể hoá thành các đề án, chương trình, kế hoạch và giải pháp để triển khai toàn diện, đồng bộ và thống nhất công tác đối ngoại từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay.

Thứ hai,đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Thành công các chuyến thăm, điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là hơn 40 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; đồng thời nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam, đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại trong 2 năm vừa qua và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao và đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay". Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV vừa qua), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Thứ ba,công tácđối ngoại, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành, phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Trước những biến động rất phức tạp trên thế giới và những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã kiên định tính độc lập, tự chủ trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nêu cao tinh thần hoà hiếu, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hoà quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng, cũng như các tình huống phức tạp về biên giới trên bộ và trên biển, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Chúng ta đã chủ động, tích cực thúc đẩy việc đối thoại, đàm phán; tham gia các hiệp định, sáng kiến vì hoà bình, tiến bộ nhân loại và đã đạt được những kết quả rất quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố đường biên giới hoà bình, hữu nghị, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy giao lưu, kết nối và hợp tác phát triển.

Thứ tư,công tácđối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và dự báo năm 2023 có thể đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong ASEANthuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát, khắc phục hậu quả của dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: Trí Dũng

Thứ năm, chúng ta đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tếngày càng toàn diện, sâu rộng, góp phần không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọngtrong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEANLiên hợp quốc như Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 - 2025, Uỷ ban liên chính phủ bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO, Uỷ ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027, v.v… Tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế như cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh giữ gìn hoà bình của Liên hợp quốc ở Châu Phi; lần đầu tiên cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, chủ động thúc đẩy hợp tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, v.v... Trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, chúng ta đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp có lý, có tình trên cơ sở nhất quán độc lập, tự chủ, đề cao chính nghĩa, đoàn kết quốc tế, hoà hiếu, nhân văntôn trọng luật pháp quốc tế, do đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của bạn bè quốc tế. Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Thứ sáu, công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nướcđối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản, công nhân và các chính đảng khác tiếp tục được củng cố và phát triển thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi lý luận và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Đối ngoại của Quốc hội cũng được triển khai ngày càng chủ động, tích cực, thúc đẩy quan hệ với quốc hội, nghị viện nhiều nước đi vào chiều sâu và nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trong AIPA, IPU. Công tác đối ngoại nhân dân được triển khai với nhiều hình thức, nội dung ngày càng đa dạng, phong phú và thực chất, góp phần mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những kết quả nêu trên có được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự vào cuộc và sự triển khai tích cực của tất cả các cấp, các địa phương, các ngành, nhất là ngành Ngoại giao. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành nhiều thời gian, công sức và nguồn lực cho công tác đối ngoại.

Đặc biệt, những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Chế độ ta, luôn đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia - dân tộc, luôn cháy bỏng khát khao cống hiến và phục vụ. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa đó của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.

Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Bởi vì, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt quarất nhiều việc phải làm. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm điểm thật kỹ, rút kinh nghiệm từ những kết quả, thành tựu kể trên để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa. Đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng những hạn chế, yếu kém trong công tác đối ngoại thời gian qua để chủ động khắc phục.

Thưa các đồng chí,

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Cục diện thế giới đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt, thậm chí có nguy cơ xung đột, đối đầu, tạo thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước có độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế như nước ta. Các nước lớn sẽ tăng cường điều chỉnh chiến lược, lôi kéo, tập hợp lực lượng, vừa hợp tác, thoả hiệp, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự, chi phối nội bộ nước khác. Nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược mới. Khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng... đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia. Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng sẽ trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Chính vì thế, chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật đúng các tác động đến Việt Nam để không bị động, bất ngờ và luôn luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".

Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan trưng bày về ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng
Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng

Tôi cơ bản tán thành với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Báo cáo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, chỉ xin gợi mở và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm sau đây, có 5 vấn đề:

Một là, cần phải tiếp tục bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung những xu hướng mới và những vấn đề mới phát sinh để cụ thể hoá, xây dựng và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, thống nhất, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"!

Hai là, phải luôn luôn quan tâm kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, song xu thế lớn và nguyện vọng thiết tha của các dân tộc vẫn là luôn luôn giữ vững hoà bình, mở rộng hợp tác vì sự phát triển. Chúng ta đã xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò của mình trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn đó của thời đại. Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là những thuận lợi rất cơ bản để chúng ta có thể kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Ba là, phải luôn luôn kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Bốn là, phải luôn luôn quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như lời căn dặn của Bác Hồ: "Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng". Đường lối đối ngoại đúng đắn, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và sự triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự đồng thuận cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân tộc và sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế. Thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng cần tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp hơn; cơ chế phối hợp giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường...; giữa Trung ương và địa phương,... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, ngày càng đồng bộ và phù hợp hơn, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp, phát huy sự năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả cao của hoạt động đối ngoại, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa", giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, tạo những thời cơ và điều kiện thuận lợi nhất để phát triển đất nước.

Năm là, phải làm tốt hơn nữa việc kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện cả về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc; chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử; tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ III (tháng 01/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ ngoại giao: "Cán bộ ngoại giao cần phải học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng; cần phải biết giữ bí mật; cần phải tiết kiệm đúng cách; cần phải chú ý đoàn kết nội bộ; cần cố gắng nắm bắt tình hình nước sở tại và tình hình quốc tế nhanh và chính xác". Những lời dạy còn nguyên giá trị đó của Bác chính là định hướng xuyên suốt để các cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

Thưa các đồng chí,

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2023, tôi tin tưởng và mong rằng, trong thời gian tới, dù tiếp tục phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức mới, các thế hệ cán bộ đối ngoại, ngoại giao cả nước nhất định sẽ vẫn tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế tiếp được truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"; và xứng đáng hơn nữa với vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhân dịp năm mới 2024 và xuân Giáp Thìn sắp đến, một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn và chúc các nhà ngoại giao, các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại, ngoại giao cả nước luôn luôn dồi dào sức khoẻ và thu được nhiều thắng lợi mới trong nhiệm vụ đầy vinh quang và trọng trách rất cao cả của mình. Tôi cũng nhờ các đồng chí trưởng cơ quan đại diện ngoại giao chuyển tới các cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng người Việt Nam ta ở nước ngoài lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới ngày càng phát triển và bền chặt.

Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi!

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!

Trình bày: Duy Thông

Chính trị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận - Ảnh Hồ Long
Thời sự Quốc hội

Bổ sung trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hóa chất

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) chiều nay, 23.11, có ý kiến đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển. Điều này sẽ góp phần làm rõ trách nhiệm pháp lý, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan và tăng cường an toàn trong vận chuyển hóa chất.

Biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Thời sự Quốc hội

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, chiều 23.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 413/422 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 86,22% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Thời sự Quốc hội

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Chiều 23.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”, với 421/423 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, chiếm 87,89% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại tổ 15. Ảnh: Hạnh Nhung
Thời sự Quốc hội

Làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp

Sáng 23.11, thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước) về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ĐBQH nhấn mạnh cần làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp; điều này sẽ dễ quy trách nhiệm pháp lý, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 12
Chính trị

Tạo môi trường, khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng 23.11, thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn), các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thể chế hóa, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; đồng thời, tạo môi trường và khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thảo luận tại Tổ 5 về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
Thời sự Quốc hội

Cân nhắc việc áp đặt các nghĩa vụ giám sát với doanh nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang), các ĐBQH đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét tính khả thi của việc áp đặt các nghĩa vụ giám sát, theo dõi hệ thống đối với từng loại hình doanh nghiệp phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo; đặt ra các trường hợp miễn trách nhiệm đối với một số nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo nhất định.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia
Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia

Trưa 23.11 (theo giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia lên đường về nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 - 23.11.2024, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Dato’ Seri Anwar Ibrahim và Phu nhân.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 sáng 23.11
Chính trị

Cần cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục thuận lợi nhất cho công nghiệp công nghệ số phát triển

Thảo luận tại Tổ 2 về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu xây dựng dự thảo Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục thuận lợi nhất nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Làm rõ định nghĩa về tài sản số
Thời sự Quốc hội

Làm rõ định nghĩa về tài sản số

Thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang) về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sáng nay, 23.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật này, đồng thời đề nghị dự thảo Luật định nghĩa rõ ràng hơn về tài sản số và bổ sung quy định về quyền thừa kế tài sản số.

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động để nắm bắt cơ hội kinh doanh
Thời sự Quốc hội

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động để nắm bắt cơ hội kinh doanh

Sáng 23.11, thảo luận Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Phú Yên) về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng các quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động để nắm bắt cơ hội kinh doanh.

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) - Ảnh H.Ngọc
Thời sự Quốc hội

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp

Sáng nay, 23.11, thảo luận tại tổ 3 (gồm các Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Ngãi), có đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Campuchia
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Sáng 23.11, tại Thủ đô Phnom Penh, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch danh dự Nhóm Cố vấn tối cao trực tiếp của Quốc vương Campuchia.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur
Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Ngày 23.11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam - Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á. Sự kiện diễn ra với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân chuyến thăm chính thức Malaysia.

Không nên phát triển “đại trà” Khu công nghệ số
Thời sự Quốc hội

Không nên phát triển “đại trà” Khu công nghệ số

Góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị hết sức cân nhắc việc tự động chuyển đổi Khu công nghệ thông tin tập trung thành Khu công nghệ số. “Chúng ta không nên phát triển đại trà Khu công nghệ số, thay vào đó, Chính phủ nên chọn một vài khu và đầu tư tập trung thì mới thúc đẩy được”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Campuchia – Việt Nam Men Sam An Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Campuchia – Việt Nam

Sáng nay, 23.11, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức và tham dự hai hội nghị quốc tế tại Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam Samdech Men Sam An.