TS. Ngô Vương Anh, Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân: Khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng
Ngay sau khi hoàn thành công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giữ nước, từ năm 1986, Đảng đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI (1991) khi đường lối đổi mới ở Việt Nam đã định hình tương đối rõ nét, công cuộc đổi mới đã trải qua nhiều bước đột phá. Đó là quá trình khai mở đường lối phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, tự chủ mở rộng quan hệ kinh tế đa phương, từng bước hội nhập kinh tế thế giới và khu vực…
Có thể nói, đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận một Đảng Cộng sản cầm quyền nhận thức được tình thế và có giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, chuyển nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn. Thành công đó được đánh giá là “kỳ diệu”, “bất ngờ”, “khó hiểu ngay cả với người trong cuộc”. Thành công này cũng được đánh giá là “cao nhất có thể đạt được xét theo những khả năng hiện thực trong điều kiện lịch sử”. Thành công này thuận với ý nguyện của Nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Đại hội VII của Đảng (tháng 6.1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng (2021) đã nhận định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực…
Những thành tựu đó tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta.
GS. NGƯT Mạch Quang Thắng, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Kiên trì tư tưởng trọng dân và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”
Gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Có được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kiên trì tư tưởng trọng dân và vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong hoàn cảnh mới của đất nước và thế giới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng năm 2026 cần đề ra đường lối phát triển đất nước bằng tư duy mới, với tốc độ nhanh hơn, song bảo đảm tính bền vững. Mục tiêu đặt ra là năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển thu nhập trung bình cao và cơ bản trở thành một nước công nghiệp; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), phấn đấu là nước phát triển có thu nhập cao. Thời gian không còn nhiều, vì thế, phải phát triển nhanh và tốc độ cao. Bên cạnh tăng trưởng GDP, cũng cần phấn đấu các chỉ số hạnh phúc, đổi mới sáng tạo, phát triển con người… để bảo đảm tính bền vững.
Ước vọng của Bác Hồ đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu vẫn là ước vọng cháy bỏng, phải biến thành hành động cách mạng trong tất cả các lĩnh vực. Đảng phải trong sạch, tận tụy, có lòng hy sinh; các ngành kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ… phải phát triển; lực lượng vũ trang phải hùng mạnh, đối ngoại phải uyển chuyển. Đấy là ý chí giữ nước Bác truyền cho Đảng ta để lãnh đạo nhân dân suốt 95 năm qua.
Cùng với các dân tộc trên thế giới, Việt Nam với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, tinh thần đoàn kết quốc tế, sẽ vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đóng góp nhiều hơn vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đảng sẽ được tiếp thêm năng lượng mới, tích lũy từ quá khứ, nạp thêm ý chí mới, sức mạnh mới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để phát triển nhanh và bền vững hơn.
GS.TS. Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: Ba điều kiện thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn
Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 2045) và 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2030), thời gian còn lại không nhiều. Thời cơ để Việt Nam phát triển, thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn để bứt phá, là thời cơ lịch sử cuối cùng. Đòi hỏi quan trọng nhất, cấp bách nhất thời gian tới đối với sự phát triển đất nước là phải bứt phá để vượt qua tình trạng tụt hậu về trình độ phát triển, gia nhập hàng ngũ các quốc gia tiên tiến.
Đường lối của Đảng thời gian qua tập trung vào một số trọng tâm. Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thứ hai, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như nguồn xung lực chính để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Thứ ba, từ năm 2021 đến nay, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gần đây Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.
Đây là ba mũi giáp công đưa dân tộc Việt Nam hội nhập, phát triển thành công, là nội hàm của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhưng muốn làm được cần những điều kiện mà không đáp ứng được chúng ta không thể vươn mình, không thực hiện được chiến lược phát triển rút ngắn.
Nhìn vào kinh nghiệm quốc tế, thời gian qua chỉ có hai nhóm nước đã thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn. Đó là một số nước Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước ở Trung Đông như Qatar, Ảrập Xê-Út, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Mỗi nước có cách riêng để phát triển rút ngắn nhưng theo tư duy đánh đổi.
Với Việt Nam, trước hết, phải tiếp tục đấu tranh thành công chống nạn tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Trong đó đặc biệt là lãng phí, nói theo Tổng Bí thư Tô Lâm, không chỉ lãng phí tài sản, nguồn lực mà là lãng phí cả thời gian, con người và cơ hội phát triển. Phải nhận thức sâu sắc điều này mới có thể có điều kiện vươn mình cất cánh. Cho nên, cuộc đấu tranh chống lãng phí không phải chỉ của riêng Đảng và Nhà nước mà của toàn dân tộc.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính là bước khởi đầu quyết liệt đối với đấu tranh chống lãng phí. Nhưng đấu tranh chống lãng phí phải thấm sâu vào từng con người, trở thành văn hóa, nét văn minh của con người Việt Nam thì mới có thêm nguồn lực để đầu tư cho tương lai.
Điều kiện thứ hai, tiền đề để thực hiện chiến lược phát triển rút ngắn, vươn mình và cất cánh, phải có nguồn nhân lực, tức là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ thanh niên. Như thế, từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải chuẩn bị hành trang cho con em bước vào tương lai. Hành trang đấy không chỉ là kiến thức, năng lực chuyên môn, còn là phẩm giá con người, để làm chủ đất nước, tiến hành đối thoại liên văn hóa, hội nhập với thế giới để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Điều kiện thứ ba, phải đầu tư đến nơi đến chốn cho khoa học - công nghệ. Công nghệ cao chúng ta có thể học "mót" của nước ngoài, nhưng công nghệ nguồn, công nghệ lõi không thể có miễn phí. Đầu tư chính là phải có con người để làm chủ công nghệ lõi, nhất là khoa học cơ bản, liên quan đến bản mệnh quốc gia, dân tộc, chúng ta phải tự đào tạo đội ngũ tinh hoa này. Đây là thách thức rất lớn. Hy vọng sau khi có Nghị quyết số 57, chúng ta sẽ đầu tư có trọng điểm, có chiều sâu, theo phương châm vun cao chứ không lấp trũng, tránh hư danh; làm chủ nguồn công nghệ lõi, kiến thức khoa học cơ bản để trực tiếp ứng dụng vào phát triển của đất nước.