Dự Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Phùng Khánh Tài; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành từ năm 2014 đã đặt ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào cuộc sống, quá trình thực thi các Luật này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, có nhiều quy định chồng chéo với các luật liên quan, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Do đó, việc sửa đổi hai Luật này là rất cần thiết, nhằm đáp ứng các nhu cầu đang đặt ra từ thực tiễn cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thì việc sửa đổi hai Luật này là cơ hội để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Các đại biểu tại Hội nghị cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực nhà ở và bất động sản liên quan rất mật thiết đến một trong những quyền quan trọng của con người là quyền có nhà ở và quyền tự do kinh doanh, trong đó kinh doanh bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt. Hai dự án Luật này khi sửa đổi sẽ có những tác động rộng rãi đến đời sống xã hội, liên quan đến nhiều Luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…
Đối với nhà ở và bất động sản, các đại biểu cho rằng, dù là xây dựng hay kinh doanh thì cũng phải tiếp cận và xây dựng quy định dựa trên quyền con người. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ lưỡng lại phạm vi điều chỉnh và tên gọi hai dự án Luật đã phù hợp hay chưa, như tên “Luật Kinh doanh bất động sản” chưa bao quát và thể hiện hết các nội dung trong dự thảo Luật. Về các cơ chế tài chính quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các chuyên gia kiến nghị cần linh hoạt hơn đối với mức tỷ lệ vốn tự có bắt buộc của chủ đầu tư dự án bất động sản từ mức hiện nay là 10 – 15% có thể giảm xuống 5% đối với những dự án bất động sản liên quan đến nhà ở xã hội. Cùng đó, nên bổ sung yêu cầu dự án bất động sản phải được xây dựng bảo đảm chất lượng kỹ thuật vì đây là yếu tố ảnh hưởng lớn tới thực tiễn sử dụng dự án đó.
Liên quan đến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), một nội dung rất quan trọng là sở hữu nhà ở, có ý kiến cho rằng, trong dự thảo Luật đã có nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi, đặc biệt là quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp, do đó cần làm rõ thời hạn của quyền sở hữu và phải công khai, minh bạch trong các quy định.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Ban soạn thảo sẽ rà soát lại tổng thể hai dự án Luật này để chỉnh lý, bổ sung sao cho đáp ứng yêu cầu đặt ra và hoàn thiện theo hướng thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, của Trung ương và Bộ Chính trị; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cũng như quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người dân, hài hoà lợi ích nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự luật này - đã bám sát thực tiễn, tham vấn nhiều ý kiến đóng góp. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về cơ bản giải quyết được nhiều nội dung đặt ra trong thực tiễn, tuy vậy, còn nhiều nội dung các đại biểu quan tâm và dày công nghiên cứu. Các ý kiến tại Hội nghị đều rất tâm huyết, xác đáng.
Nhấn mạnh việc hai dự án Luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng hơn các nội dung góp ý về: các chương, điều, khoản, kết cấu dự thảo Luật; hộ gia đình kinh doanh chung cư mini, nhà trọ sinh viên, nhà trọ công nhân đang đáp ứng nhu cầu của bộ phận cư dân có thu nhập thấp; sự liên kết, hợp tác cải tạo xây dựng chung cư trên nền chung cư cũ; công khai minh bạch thông tin và bảo đảm quyền lợi của người mua chung cư; thời điểm ban hành Luật sao cho phù hợp...