Tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước
Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 4.6, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt thời gian tới?
Nhấn mạnh đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào để bảo đảm chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội?
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, chúng ta đã rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi và triển khai các dự án thủy điện. Đến nay, Bộ tiếp tục quan tâm và rà soát những khu vực cần bổ sung hoặc có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập và hệ thống kênh, mương thủy lợi.
"Việc tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước bằng các hệ thống thủy lợi”.
Nhấn mạnh như vậy, Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua, khảo sát tại Ninh Thuận cho thấy, tại địa phương đã có đường ống dẫn ngầm thủy lợi, rất hiệu quả. Khi các hồ, đập dẫn nước xuống vùng khô, nóng như Ninh Thuận mà vẫn trồng cây, sản xuất nông nghiệp rất tốt. "Mô hình này phải tiếp tục phát huy. Chúng ta xây dựng hồ, đập nhưng phải vận hành liên hồ và có sự điều hòa, điều phối tốt mới bảo đảm được hiệu quả sử dụng", Bộ trưởng nói.
Phải có giải pháp sớm bảo đảm được an ninh nguồn nước
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nêu rõ, Nhà nước đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi, nhằm sử dụng đa mục đích, đa mục tiêu để bảo đảm hiệu quả cao nhất của nguồn nước. Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, chúng ta xây dựng các hồ đập và các hồ thủy điện. Hồ thủy điện kết hợp với hồ thủy lợi.
"Hiện nay, thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, chúng ta sẽ có những kịch bản nguồn nước, tổ chức quản lý lưu vực sông và sẽ tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa các hồ thủy lợi, thủy điện; đồng thời, chúng ta cũng phải đánh giá rất tổng thể, bảo vệ được môi trường, không ảnh hưởng đến môi trường rừng, hệ sinh thái. Vừa tích trữ nước nhưng cũng phải bảo vệ được môi trường tự nhiên", Bộ trưởng nêu rõ.
Về bảo đảm an ninh nguồn nước, Bộ trưởng nêu rõ, Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu, trong đó có tác động đến nguồn nước, do đó, chúng ta phải có những giải pháp sớm để bảo đảm được an ninh nguồn nước.
Trong đó, với khoảng 60% nguồn nước bị phụ thuộc ở nước ngoài, 40% là nguồn nước nội sinh, để bảo vệ được nguồn nước nội sinh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng với dự án 1 tỷ cây xanh; tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn nước.
"Về chính sách, pháp luật của nước ta đều có yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước", Bộ trưởng khẳng định.
Về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch về tài nguyên nước và quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước của quốc gia, 8 quy hoạch về lưu vực sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu để phê duyệt tiếp 5 quy hoạch về lưu vực sông. Đồng thời có quy định việc điều hành, quản lý liên tỉnh đối với các lưu vực sông, làm rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp, bảo đảm sử dụng nước có hiệu quả.
Nêu thực tế, vừa qua ở đồng bằng sông Cửu Long rất hạn hán do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, do vậy, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước. Tiếp tục xử lý việc điều hòa, điều phối nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Phối hợp với các nước trong khu vực (do 60% nguồn nước bị phụ thuộc vào nước ngoài) để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.