Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Thường trực Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật được giao chủ trì tham mưu cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về việc xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XV) và Báo cáo về kết quả công tác rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính (theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024). Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết của Quốc hội, đến nay các báo cáo được gửi đến Quốc hội cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Trên cơ sở đó, theo lĩnh vực phụ trách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham gia cho ý kiến về các nội dung liên quan.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo của Chính phủ về việc xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy trình bày báo cáo về kết quả công tác rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính.
Theo đó, việc xem xét, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quá trình xem xét, xử lý kết quả rà soát có sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan. Việc nghiên cứu, cho ý kiến độc lập và việc đề xuất xử lý đối với kết quả rà soát cơ bản được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản. Việc xử lý kết quả sau rà soát theo yêu cầu của Quốc hội được thực hiện trách nhiệm, theo đúng tiến độ, lộ trình, kế hoạch đã đề ra; một số nội dung được xử lý sớm.
Về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm để triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định thủ tục hành chính đang là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ trong việc chuẩn bị các Báo cáo; nhận thấy với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo... của Việt Nam được thăng hạng.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, các thông tin, số liệu kèm theo Báo cáo cần tiếp tục được rà soát, chỉnh lý, cập nhật để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính rất đầy đủ, toàn diện về công tác cải cách thủ tục hành chính những năm vừa qua, kể cả trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện; kết quả đạt được cũng rất tích cực, số liệu cụ thể, chi tiết.
Đối với Báo cáo về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉ đạo xử lý các nội dung trong các dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 2025. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội có ý kiến chính thức về những nội dung thuộc trách nhiệm của mình, gửi Ủy ban Pháp luật tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.