Tham dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam và một số bộ, ngành liên quan.
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh, tuân thủ quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNH về tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu, đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, Agribank đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ như sau: Để đáp ứng quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNH, vốn tự có thiếu hụt trong giai đoạn 2021 - 2023 là 46.798 tỷ đồng. Agribank dự kiến vốn thiếu hụt sẽ được bù đắp từ các nguồn sau: bổ sung từ phần lợi nhuận sau thuế năm 2022, 2023 theo cơ chế tài chính đối với tổ chức tín dụng 100% vốn Nhà nước: 13.440 tỷ đồng; bổ sung từ lãi trái phiếu đặc biệt của Chính phủ và tăng trích lập dự phòng chung: 1.713 tỷ đồng; dự kiến phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2 ở mức 14.600 tỷ đồng.
Số vốn thiếu hụt còn lại, Agribank đề xuất được cấp bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước: 17.100 tỷ đồng (tương ứng với số lợi nhuận còn lại dự kiến nộp ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2023).
Với số vốn điều lệ tăng thêm, Agribank sẽ sử dụng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả; giúp tăng quy mô vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt mức quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNH; tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Sau khi được Quốc hội chấp thuận, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo đúng quy định của pháp luật.
Qua thảo luận, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là phù hợp với quy định của pháp luật. Hồ sơ đề nghị cơ bản đã tương đối đầy đủ, song các đại biểu cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ, bổ sung các nội dung cần làm rõ trước khi trình ra Quốc hội xem xét, nhằm tăng tính thuyết phục đối với đại biểu Quốc hội.
Cơ bản nhất trí với đề nghị bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã nêu đủ căn cứ cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý về đề nghị bổ sung vốn điều lệ của Agribank; song Tờ trình cần bổ sung cơ sở thực tiễn cho đề nghị này.
Về hình thức văn bản, mặc dù Tờ trình của Chính phủ chưa đề xuất phương án hình thức văn bản ban hành về nội dung này, song đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, nên đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.