Thu nhập chưa tương xứng với công sức
Thực tế này được Ủy ban Xã hội nêu ra tại báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Đáng chú ý, theo cơ quan của Quốc hội, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức trong nền kinh tế vẫn khá cao. Hiện nay, đang có 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 64,6% trong tổng số việc làm của nền kinh tế. Số lao động này hầu hết trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động; do đó, hầu như không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.
Nửa nhiệm kỳ qua, một trong những hạn chế được Ủy ban Xã hội chỉ ra là thể chế phát triển thị trường lao động tuy đã được triển khai nhưng còn chậm, chưa khắc phục được những bất cập đã tồn tại nhiều năm qua về mất cân đối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề, vùng trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chất lượng lao động, chất lượng việc làm còn thấp.
Ủy ban Xã hội cũng đề cập rất rõ về vấn đề mất cân bằng trong cung - cầu lao động, như lao động trẻ tập trung về các thành phố lớn để tìm việc, các tỉnh lẻ hoặc khu vực vùng sâu, vùng xa gần như không còn lực lượng lao động để phát triển kinh tế. Người lao động làm việc không phù hợp với ngành, nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành, nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.
Hoạt động dự báo cung - cầu lao động chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp. Dữ liệu nhiều nhưng chưa được quy về một mối, doanh nghiệp, cơ quan thống kê, cơ quan quản lý nhà nước chưa sẵn sàng chia sẻ, cung cấp cho nhau.
Tại Hội thảo Thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng 2022 - 2026 diễn ra mới đây, bà Chu Thị Lê Anh, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia chia sẻ, người lao động phi chính thức thường ở thế yếu trong thương lượng để bảo đảm điều kiện làm việc cũng như cơ hội, yêu cầu nâng cao thu nhập. Điều đó dẫn đến hệ quả là người lao động trong khu vực phi chính thức thu nhập thấp; tỷ lệ lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng lên đến 47%.
Thêm vào đó, thời gian làm việc cũng thường kéo dài, khi có đến hơn 35% lao động phi chính thức làm việc quá 48h/tuần, vượt quá quy định của Bộ luật Lao động; 10,18% phải làm từ 2 công việc trở lên để có thu nhập nuôi sống gia đình. Điều kiện làm việc của nhóm này cũng rất tệ, thường là những hộ kinh doanh, phân xưởng tư nhân nhỏ lẻ, chỉ một số ít bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Cần cải thiện cả việc làm và đời sống an sinh
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho rằng, trong chu kỳ hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm thỏa đáng lần thứ 4 giai đoạn 2022 - 2026, ILO cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các đối tác sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào 3 trụ cột và vấn đề ưu tiên là: tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng; an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi của người lao động; quản trị thị trường lao động.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, rất ít lao động phi chính thức được bao phủ bởi lưới an sinh; cụ thể, có đến 98% người lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội, điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ người lao động trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều.
Trên thực tế, có hơn 60% lao động phi chính thức có thỏa thuận miệng về việc làm, 14% không có hợp đồng lao động; chính vì không có giao kết hợp đồng bằng văn bản nên họ không được bảo đảm về mặt luật pháp trước những yếu tố khiến cho việc làm trở nên không thỏa đáng.
Theo bà Chu Thị Lê Anh, việc làm trong khu vực phi chính thức đang không thỏa đáng; người lao động trong khu vực này khó có thể tự bảo đảm những quyền lợi của mình, bởi không có căn cứ để được bảo vệ lương, cũng như các quyền lợi khác tại nơi làm việc. Vì vậy, để hỗ trợ tạo việc làm thỏa đáng hơn cho người lao động, Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng tại Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ cần triển khai những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lưu Quang Tuấn nhấn mạnh, việc làm thỏa đáng hướng tới mục tiêu không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn, mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn; nghĩa là người lao động được làm việc trong điều kiện lao động tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn, thực hiện mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
Ông Đào Quang Vinh, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho rằng, giai đoạn tới cần gỡ các vướng mắc về thể chế; xây dựng cơ sở dữ liệu; đào tạo nguồn nhân lực; cải cách an sinh xã hội để theo kịp các xu hướng mới. Đặc biệt, cần sửa đổi các luật có liên quan như Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội để tháo gỡ thủ tục hành chính còn gây cản trở trong việc thu hút lao động phi chính thức vào lưới an sinh…