Thú chơi chim yến đất Hà thành

Ở Hà Nội, những người nuôi chim sành điệu thường nhóm họp, bàn bạc, phẩm bình về giống má, kiểu dáng, thanh âm của các loài chim cảnh. Xếp nhất hạng trong các giống chim thuần đã từng trải qua kinh nghiệm chăn nuôi từ bao đời, con chim yến luôn trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, nhất là trong mỗi dịp lễ Tết, hội hè...

1. Nghỉ hưu đã hơn chục năm nay, ông Minh, một viên chức cũ, hàng ngày hầu như chỉ thích náu mình trong căn gác hẹp nằm sâu trong ngõ nhà 22 phố Hàng Cân (Hà Nội). Cách xa mặt phố ồn ào sầm uất, nơi ấy chính là thế giới riêng của ông, êm đềm, thanh tĩnh, man mác chút hoài niệm một thời xa. Có những giây lát, không gian nhỏ bỗng trở nên rộn rã, sống động lạ thường. Ấy là lúc, bầy yến trước hiên nhà đồng thanh cao giọng hót. Tiếng ca ánh ỏi, ngân vang, khiến xao động cả chùm nắng hiếm hoi vừa lọt xuống mảnh sân bé nhỏ rêu mốc nước thời gian...

Xa xưa, thú chơi chim yến chỉ được lưu truyền trong chốn cung vua, phủ chúa thâm nghiêm, sau mới lọt ra tới các gia đình quyền quý nơi kinh kỳ. Từ khi còn nhỏ xíu, ông Vinh đã được nghe cụ cố nội của nhà kể chuyện như thế. Căn nhà cũ kỹ của ông, mái ngói thâm nâu, ngơ ngác nằm lọt giữa lòng phố Phủ Doãn đông đúc, náo nhiệt. Bước qua ngưỡng cửa gỗ đơn sơ, cái không khí xô bồ, huyên náo như bỗng tan biến hết. Không kính lọc âm, không tường xây kiên cố, người ta vẫn cảm nhận được sự thư thái, dịu dàng chỉ qua một màng ngăn mong manh là tiếng hót ríu ran của những bầy chim nhỏ. Đôi lúc, vượt trội trên dàn đồng ca, là những âm thanh cao vút, chói chang. Ấy chính là giọng lĩnh xướng của một chàng chim yến trẻ trung đầy sức sống.

Sau hơn nửa thế kỷ gắn kết với nghề nuôi chim, người ta có thể coi ông Vinh như một cuốn từ điển sống về chim cảnh Việt Nam. Ông còn là một trong số những người đầu tiên có công gây dựng lại phong trào chơi chim yến ở Hà Nội, sau thời gian đứt quãng mấy chục năm dài. Từ ngày phong trào nuôi chim yến rầm rộ, bạn bè, khách khứa qua lại, nhờ cậy, trao đổi, nên nhà ở lại trở thành cửa hàng lúc nào không rõ. Nghề chơi lại trở thành nghiệp sống, một nghiệp sống trong sạch, lương thiện, khiến cho người trong nhà như không hề cảm thấy gánh nặng của cuộc mưu sinh hàng ngày. Hơn thế nữa, đối với họ, cuộc sống đời thường vẫn trảy trôi nhẹ nhàng như một chuỗi niềm vui đơn sơ mà không hề nhàm chán.

 Ở tuổi thất thập, món đồ gia bảo có giá trị duy nhất mà ông còn chính là tấm hoành phi sơn son thếp vàng đề hai chữ đại tự: Chính Khí, phía dưới là chiếc lồng tre có đôi thanh yến đang cùng nhau mớm thức ăn cho lũ chim non. Con người ta dù trải qua bao đắng ngọt của cuộc đời, thì điều quý giá nhất, lắng đọng trong tâm khảm, vẫn là một niềm tin ở cuộc sống, một cuộc sống luôn sinh sôi nảy nở, ngập tràn niềm vui và hy vọng mới...

2. Ở Hà Nội, những người nuôi chim sành điệu thường nhóm họp thành những hội đoàn lớn nhỏ. Các thành viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, phẩm bình về giống má, kiểu dáng, thanh âm của các loài chim cảnh. Xếp nhất hạng trong các giống chim thuần đã từng trải qua kinh nghiệm chăn nuôi từ bao đời, con chim yến luôn trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, nhất là trong mỗi dịp lễ Tết, hội hè. Phong trào chơi chim yến lan rộng, không chỉ đem lại nguồn vui tinh thần mới mẻ, mà bên cạnh đó, còn góp phần làm giảm đỡ tệ nạn săn bắn chim chóc hoang dã trong tự nhiên. Nghề nuôi chim yến cũng từng đem lại lợi lộc cho rất nhiều gia đình ở Hà Nội.

Ở làng Định Công (Hoàng Mai), anh Nguyễn Văn Tiến được coi là một doanh nghiệp trẻ mới nổi lên. Lúc thị trường chim yến sôi động nhất, quãng năm 1997 - 1998, trong khoảng sân nhỏ trước hiên nhà, luôn chật cứng hàng trăm lồng chim yến với đủ các sắc màu, dáng vẻ, nhiều nhất là hoàng yến và vân yến. Trưa hè nóng bỏng, dưới tán cây hoàng lan cổ thụ xôn xao nắng gió, tiếng hót của bầy chim yến vang động khắp không gian, cao vút và trong vắt, mang lại một niềm thư thái, an vui, thanh bình cho nhân gian. Nhờ nghề nuôi chim yến, kết hợp với nghề trồng và chăm địa lan, anh Tiến đã xây được một ngôi nhà mới với đầy đủ tiện nghi cho gia đình. Bây giờ, anh Tiến lại chỉ còn giữ lại năm bảy đôi chim để chơi thôi, chứ không vất vả vì kinh doanh nữa.

Những con chim yến vào giai đoạn hót hay nhất, giai đoạn trưởng thành, người trong nghề gọi là chim yến “căng”. Chim yến vào độ “căng” thì mình mẩy săn chắc, lông cánh óng mượt, sắc tươi thắm, dáng hình đĩnh đạc, phong cách nhanh nhẹn và đặc biệt là giọng hót lảnh lót, chói sáng. Chim yến, con trống đắt giá gấp năm bảy lần, thậm chí hàng chục lần so với chim mái. Vì sao vậy? Con trống vừa có vóc dáng đẹp đẽ, lại giỏi ca hót. Con mái nom đã kém thanh thoát, mà cả đời lại không cất giọng nổi một lần, chỉ có mỗi việc là đẻ trứng, ấp con và sánh đôi với con trống cho vui cửa vui nhà. Bởi thế, chỉ có người nuôi chim yến đẻ mới thực sự chăm sóc cho con chim mái vì thiên chức duy trì nòi giống của chúng.

Theo bác sĩ Thắng, một người mê chim ở phố Kim Mã, thì chơi chim yến là loài chim do con người đã thuần hóa, chăm nuôi sinh sản được, thì có lợi hơn là việc săn bắt các loại chim hoang dã, dễ làm ảnh hưởng đến môi trường và sự cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Người ta chơi được một đôi yến đã là sang. Nhưng nếu sưu tập được cả một bầy yến bốn con: Hoàng yến, bạch yến, thanh yến, hồng yến (yến vàng, yến trắng, yến xanh, yến hồng) gọi là “tứ quý” mới thật hay. Còn nếu như chuốc thêm được một con vân yến, loại yến lông pha màu, mà pha một các đăng đối, hài hòa, cho đủ bộ “ngũ phúc”, thì nhất hạng.

Mỗi khi được tận tay nâng niu quả trứng yến mới lọt lòng, bé xíu như viên kẹo sữa, còn ấm nóng trên tay, ông Minh (Hàng Cân) lại thấy mình thêm một lần trẻ lại. Đôi mắt già nua ánh lên một niềm vui bất tận. Ở tuổi thất thập, món đồ gia bảo có giá trị duy nhất mà ông còn lưu lại qua bao tháng năm dời đổi, chính là tấm hoành phi sơn son thếp vàng đề hai chữ đại tự: Chính Khí, treo ngay trên bức tường phòng khách. Phía dưới là chiếc lồng tre có đôi thanh yến đang cùng nhau mớm thức ăn cho lũ chim non. Con người ta dù trải qua bao đắng ngọt của cuộc đời, thì điều quý giá nhất, lắng đọng trong tâm khảm, vẫn là một niềm tin ở cuộc sống, một cuộc sống luôn sinh sôi nảy nở, ngập tràn niềm vui và hy vọng mới.

Hấp háy đôi mắt đeo kính, ông Minh say sưa kể chuyện nuôi chim yến đẻ. Khi cho ghép đôi, con trống cần già giặn hơn con mái. Con mái nào nuôi con không khéo, không biết mớm đủ các loại thức ăn cho con mau lớn, chóng đẹp, thì phải cho con trống vào nuôi đỡ. Rồi chuyện cách đánh giá giá trị của con chim yến căn cứ vào “hồi” vào “thiếp”, vào cung, vào bậc, vào trường độ, vào nhạc tính của tiếng hót, căn cứ vào độ dài của đuôi, độ bóng, độ thuần, độ tươi của màu sắc lông chim...

Con hồng yến nuôi đợt đầu cách đây bảy năm của ông Minh đã hết tuổi về trời. May mắn, ông Minh lại vừa tầm được một chàng hồng yến mới đang líu lô tập hót. Bầy yến trước hiên nhà lại tụ hội đủ thế ngũ phúc: Phú - Quý - Thọ - Khang -Ninh. Phú - Quý - Thọ - Khang -Ninh, ấy là nỗi ao ước muôn đời mà người dân Á Đông thường gửi gắm vào những thú chơi cổ truyền thấm đẫm tính nhân văn.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.