Ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trước ngày 1.1.2022
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Cụ thể, đối với lĩnh vực y tế: tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 1.1.2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch.
Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế. Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm Covid-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Sớm nghiên cứu nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hộ cũng nêu rõ, Chính phủ có giải pháp hiệu quả từng bước giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý; tăng cường triển khai khám, chữa bệnh từ xa; đẩy mạnh biện pháp chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, bao gồm cả trong điều trị Covid-19. Tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với nhóm đối tượng theo hộ gia đình; hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế tài chính; chính sách huy động nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công - tư trong lĩnh vực y tế.
Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vaccine); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vaccine trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vaccine.
Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả trên phạm vi cả nước Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời, có Kế hoạch triển khai Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 ngay sau khi được ban hành.
Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Sắp xếp, bố trí mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ y tế các tuyến; có chính sách đãi ngộ, đặc thù, chế độ thâm niên nghề nghiệp đối với lực lượng y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Sớm thực hiện việc tinh giản, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, công tác chuyên môn cho phù hợp.
Trong năm 2022, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế để triển khai thực hiện. Nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trong đó thực hiện việc ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế dự phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, y tế cơ sở, đặc biệt là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn; khẩn trương xây dựng các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4; sớm hình thành các Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo khu vực, theo vùng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm Covid-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch Covid-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bố trí đủ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt liên quan đến chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Có giải pháp cụ thể, sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.
Tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, cơ sở giáo dục trong công tác đào tạo, tổ chức thi, tuyển sinh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Có giải pháp hiệu quả hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tiến hành rà soát, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp hợp lý các đầu mối, trường lớp, bảo đảm chất lượng, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính, không để xảy ra các sai phạm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học.
Tạo dấu ấn, lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo
Trước đó, trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp này. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian diễn ra kỳ họp được rút ngắn, kết hợp họp trực tuyến và tập trung, nhưng hoạt động chất vấn vẫn được tổ chức thành công với tinh thần đổi mới, bảo đảm chất lượng, đúng quy định. Trên cơ sở tổng hợp nhiều nguồn thông tin, từ đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội, phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế - xã hội, các nhóm vấn đề chất vấn được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, góp phần giải quyết những bức xúc của cuộc sống. Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng, thể hiện chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.
Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng,nội dung dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội về các giải pháp trong Báo cáo của các Bộ, cam kết của Bộ trưởng tại phiên chất vấn và diễn biến của tình hình thực tiễn, các Bộ đã được tham gia ý kiến. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, đối chiếu với nội dung các Nghị quyết khác của Quốc hội tại kỳ họp bảo đảm thống nhất, chặt chẽ như dự thảo.