Theo đó, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 Chương, 66 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2023.
Về cơ bản, Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm: tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về sự phù hợp của dự thảo Luật với Hiến pháp, các luật có liên quan và tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo Luật với các quy định của pháp luật chuyên ngành khác có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, đối chiếu các nội dung của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, dự án Luật Giao dịch điện tử...; rà soát bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền. Năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện nay, các Bộ ngành mới đang triển khai nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và vì vậy, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động này tại dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.
Một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chỉ tập trung vào việc các bộ, ngành phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ. Ý kiến khác đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ tại Luật Tổ chức Chính phủ chưa có quy định cụ thể cho lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Trong khi đó, công tác phòng, chống rửa tiền là vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên cần quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm rõ ràng, thống nhất dễ triển khai thực hiện. Quy định tại Chương III của dự thảo Luật được kế thừa từ Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012, đồng thời đã luật hóa một số chức năng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Bộ Tài nguyên Môi trường hay Thanh tra Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Điều 59 dự thảo Luật về trách nhiệm của các Bộ, ngành khác. Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình đối với công tác phòng, chống rửa tiền theo các quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.