Công tác đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động thời gian qua được Thiệu Hóa quan tâm thực hiện. Huyện đã kiện toàn ban chỉ đạo dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để có kế hoạch tổ chức các dự án, chương trình, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, thu hút tham gia của nhiều lao động địa phương. Trong năm 2007, huyện đã hỗ trợ 162 triệu đồng mở 15 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động với mức hỗ trợ 7 triệu đồng đối với lớp đào tạo nghề 1 tháng, lớp đào tạo 2 tháng là 14 triệu đồng, 3 tháng 21 triệu đồng/lớp. Bên cạnh đó, với 32,4 triệu đồng hỗ trợ từ Hội bảo trợ tỉnh và quỹ khuyến công của huyện, Thiệu Hóa đã phối hợp với hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tổ chức dạy nghề mây giang xiên cho 31 học viên, thời gian đào tạo 2 tháng. Ngoài ra, ban chỉ đạo dạy nghề huyện còn phối hợp với hội nông dân, hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức 2 lớp dạy nghề mây giang xiên cho 100 lao động ở xã Thiệu Vũ. Các địa phương cũng chú trọng mở các lớp dạy nghề cho người lao động. Trong năm 2007, 13 xã đã mở lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm, cắt may công nghiệp, thêu ren, cơ khí, điện dân dụng.. cho lao động địa phương.
Cùng với đào tạo nghề, Thiệu Hóa chú trọng mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động. Huyện đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển đa dạng các nghề hiện đại; Chú trọng phát triển nghề truyền thống của địa phương như trồng dâu nuôi tằm, đúc đồng ở các xã Thiệu Đô, Thiệu Tân, Thiệu Dương, Thiệu Trung để giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Vì vậy, nghề truyền thống của huyện được duy trì và phát triển. Toàn huyện hiện có 550 ha trồng dâu, cho thu nhập gấp 2 đến 3 lần loại cây trồng khác. Nghề đan cót ép được nhân dân xã Thiệu Dương mở rộng, đem lại thu nhập bình quân 1 hộ từ 500.000- 700.000 đồng/ tháng. Làng nghề đúc đồng Thiệu Trung hiện đang được quy hoạch để phát triển quy mô lớn hơn, đem lại cho người lao động thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Thiệu Hóa đã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động và tạo điều kiện cho các công ty xuất khẩu lao động có uy tín như Asenco, Công ty Sông Đà, Công ty Bạch Đằng... tư vấn và đưa người lao động đi làm việc tại các nước như Dubai, Malaysia, Hàn Quốc... Chỉ tính trong năm 2007, đã có hơn 300 lao động ở 26 xã được đi làm việc ở nước ngoài, bước đầu đã ổn định công việc, có thu nhập gửi về cho gia đình.
Nhờ quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm, Thiệu Hóa không những giúp người lao động có thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thúc đẩy phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh của địa phương. Vì vậy, trong 5 năm liên tục kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm; Thu nhập bình quân/người tăng lên 6 triệu đồng/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm. Tuy nhiên, Thiệu Hoá là một huyện thuần nông, quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ bé, chưa có sức hút các nhà đầu tư. Các ngành nghề mới tuy đã được mở rộng nhưng phát triển chậm, gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, thị trường, kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo nhiều việc làm cũng như thu hút lao động địa phương đến làm việc. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động, ngoài việc tập trung đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 24%; Hàng năm có từ 20 đến 25 lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với số lượng từ 700 đến 1.000 người và 4 lớp dành cho người khuyết tật với số lượng 40- 60 người; Huyện cần có cơ chế khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; Chọn lựa những doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, đồng thời tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ đẩy nhanh chương trình xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương.
Dư Phan