Sáng 30.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" đã làm việc với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Lai Châu.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là thuộc loại hình trường chuyên biệt trong hệ thống trường THPT của tỉnh Lai Châu và của quốc gia. Chức năng của nhà trường là đào tạo trình độ phổ thông; phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một trong các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn và Tiếng Anh; giáo dục học sinh thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo, có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đất nước.
Trường hiện có 19 lớp với 632 học sinh. Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của các cấp quản lý và sự tín nhiệm của học sinh và phụ huynh. Hiện tại nhà trường đã có sự phát triển rõ rệt từ quy mô trường lớp, đội ngũ, đặc biệt là cơ sở vật chất (tốt nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu) và chất lượng giáo dục.
Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Hồ Thanh An khẳng định, hiện tại số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy vậy trong giai đoạn tiếp theo, để phục vụ nhân dân và học sinh tốt hơn, nhà trường chủ trương trình mở rộng các khối chuyên Tin, Sinh, Sử, Địa thì áp lực về biên chế giáo viên Tin, Toán, Văn, Sinh, Sử, Âm nhạc và Mỹ thuật là rất lớn.
Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới, Hiệu trưởng Hồ Thanh An cho biết, nhà trường đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục năm 2018; việc thực hiện quy định về công tác lựa chọn, mua sắm, sử dụng sách giáo khoa thu chi đầu năm học đúng quy định, công khai, minh bạch, được phụ huynh, học sinh và cán bộ, giáo viên đồng thuận. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường triển khai đúng tiến độ chương trình dạy học lớp 10; 100% giáo viên, học sinh có sách giáo khoa sử dụng.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được đánh giá hoàn toàn phù hợp với điều kiện nhà trường, với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh và có tính khả thi cao. Việc đổi mới phương pháp giáo dục theo chương trình mới giúp cho giáo viên và học sinh chủ động hơn.
Tuy nhiên, việc sắp xếp xây dựng lại các môn học dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học; thiếu giáo viên Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, nên việc đa dạng hóa các tổ hợp môn lựa chọn gặp nhiều khó khăn, nhiều học sinh lựa chọn Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng không thể bố trí được do không có giáo viên. Để khắc phục, nhà trường tổ chức học theo hình thức CLB đối với Âm nhạc, Mỹ thuật, học sinh chủ yếu tự học qua mạng.
Việc chuyển trường, chuyển lớp của học sinh gặp khó khăn nếu như lớp/trường chuyển đến không có môn học mà em lựa chọn. Mặc dù vậy, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc học bù, học bổ sung môn học còn thiếu khi chuyển trường, chuyển lớp.
Về lựa chọn sách giáo khoa, trong quá trình đọc và viết nhận xét các đầu sách nhiều giáo viên phải đọc và nghiên cứu sách qua link nhà xuất bản giới thiệu, thời gian đọc và góp ý ngắn, số lượng đầu sách đọc nhiều gây áp lực về thời gian hoàn thành viết nhận xét của giáo viên...
Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của địa phương cho đào tạo học sinh chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, không gian sư phạm tốt. Đoàn giám sát cũng vui mừng khi thấy giáo viên thay đổi tích cực phương pháp giảng dạy; học sinh học chương trình, sách giáo khoa mới tự tin, hiệu quả, hứng thú hơn.
Đoàn giám sát đề nghị nhà trường tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên (số lượng, chất lượng, cơ cấu), có giải pháp để bảo đảm đủ cơ cấu, đặc biệt là giáo viên các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.