Theo đó, đánh giá về Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Đây là 2 trong 4 nhóm dịch vụ công cần liên thông dữ liệu giữa các Bộ, ngành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, trong triển khai 2 thủ tục hành chính liên thông, ngay từ khi nhận chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND Thành phố, BHXH TP.Hà Nội đã triển khai đồng bộ đến cấp quận, huyện; đẩy mạnh truyền thông để đông đảo người dân trên địa bàn biết và thực hiện.
Tính từ ngày 21.11.2022 đến ngày 10.4.2023, BHXH Thành phố đã cấp được 17.511 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, giải quyết 196 trường hợp hưởng trợ cấp mai táng qua Cổng Dịch vụ công liên thông.
Ông Phan Văn Mến đánh giá, việc triển khai 2 thủ tục hành chính liên thông điện tử đã tạo thuận lợi cho người dân khi chỉ cần khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, giảm thời gian đi lại, nâng cao chất lượng phục vụ. Đối với cơ quan BHXH giảm áp lực tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn. Công khai, minh bạch trong giải quyết các chế độ BHXH, BHYT. Đồng thời, tạo sự phối hợp, gắn kết giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thí điểm cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tâm lý người dân vẫn muốn đến trực tiếp cơ quan BHXH để giải quyết thủ tục hành chính. Quy trình mới còn khá phức tạp, nhiều thông tin còn cần nhập thủ công nên nhiều người dân khi thực hiện kê khai bị rối, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người ít tiếp xúc với công nghệ thông tin khi phải thực hiện kê khai thì còn nhiều lúng túng.
Đa phần số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trước năm 1995 đều có sự không thống nhất thông tin nhân thân giữa hồ sơ hưởng, căn cước công dân và trích lục khai tử. Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ chưa phân luồng được hồ sơ về nơi BHXH quản lý người hưởng hoặc nơi người lao động đóng BHXH tự nguyện trước khi chết; nơi khám chữa bệnh ban đầu chậm được cập nhật, vẫn hiển thị cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã chấm dứt hợp đồng. Các phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ, phần mềm quản lý thu cũng còn một số lỗi, gây khó khăn cho quá trình liên thông thực hiện...
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh và các thành viên Tổ công tác Đề án 06 BHXH Việt Nam cùng lãnh đạo BHXH Thành phố, các phòng chức năng đã thảo luận, đánh giá, tìm giải pháp tháo gỡ với từng vướng mắc trong thực hiện 2 thủ tục hành chính liên thông.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh đánh giá cao kết quả BHXH TP.Hà Nội đạt được trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và việc thực hiện thí điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử thời gian qua.
Thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh yêu cầu BHXH Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xác thực, đồng bộ cơ sở dữ liệu về BHXH trên địa bàn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng quan trọng để thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06.
Về việc thí điểm 2 thủ tục hành chính liên thông, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh đánh giá, Thành phố đang gặp vướng mắc chủ yếu ở các phần mềm và một số quy trình nghiệp vụ. Phó Tổng Giám đốc yêu cầu, các đơn vị trực thuộc liên quan của BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp với BHXH Thành phố để nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Trong đó, Trung tâm Công nghệ thông tin, các thành viên Tổ công tác Đề án 06, nghiên cứu, khẩn trương khắc phục các lỗi liên quan đến phần mềm.
Về việc còn nhiều nhầm lẫn, sai sót trong việc kê khai hồ sơ, qua thảo luận, BHXH Thành phố cần tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn để người dân, người lao động, cán bộ tại bộ phận “Một cửa” của xã, phường thực hiện tốt hơn việc kê khai, nhập liệu ban đầu được chính xác. BHXH các quận, huyện cũng cần tăng cường việc kết nối, trao đổi với UBND cấp xã để kịp thời trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cũng yêu cầu BHXH Thành phố tiếp tục kiện toàn Tổ công tác triển khai Đề án 06 theo yêu cầu, hướng dẫn mới nhất của BHXH Việt Nam, xác định rõ kế hoạch, công việc cần triển khai, phân công rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ số hóa các hồ sơ, phục vụ giao dịch điện tử. Là đơn vị triển khai thí điểm, BHXH Thành phố cần kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để BHXH Việt Nam có giải pháp tháo gỡ, chuẩn bị cho việc mở rộng triển khai trên toàn quốc.