Nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định, BHXH, BHYT, BHTN là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, có tính chia sẻ cộng đồng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách liên quan đến bảo hiểm nhằm thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Hệ thống pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và nhân dân. Đối với tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm; đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn còn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp trốn đóng hoặc không kê khai số lao động phải tham gia bảo hiểm bắt buộc; nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, chốt số bảo hiểm xã hội cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác...
Để hiểu rõ thực trạng, đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định lựa chọn chủ đề vềtình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh làm nội dung Phiên giải trình thứ 3 của Thường trực HĐND tỉnh Khóa XVIII. Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh và của Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh; từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình và ý kiến, kiến nghị của cử tri để đặt các câu hỏi sát, đúng, bảo đảm thời gian để các cơ quan có trách nhiệm giải trình.
"Đối với những nội dung giải trình chưa rõ, cần đối đáp, tranh luận để làm rõ, đi đến tận cùng của vấn đề, qua đó đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh" - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nói.
Báo cáo về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám khẳng định, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, người lao động tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, hằng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được UBND tỉnh và BHXH Việt Nam giao, cụ thể: Năm 2020 có 59.428 người, năm 2021 có 77.633 người và năm 2022 có 81.769 người tham gia BHXH tự nguyện. Đối với BHYT, từ năm 2020 đến nay số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước và đều hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được UBND tỉnh và BHXH Việt Nam giao. Cụ thể: năm 2020 có 3.200.804 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh so với dân số đạt 87,35%; năm 2021 có 3.242.690 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh so với dân số đạt 87,99%; năm 2022 có 3.280.300 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh so với dân số đạt 88,49%.
Tuy nhiên, Giám đốc Bảo Hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng thẳng thắn nhìn nhận: tình trạng không ít các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chậm đóng BHXH đã diễn ra kéo dài. Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và khởi kiện nhưng vẫn chưa thể thu hồi, số nợ đọng bảo hiểm ngày càng tăng. Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp: Năm 2020, có 302 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN (có 35 đơn vị chậm đóng từ 2 tháng trở lên) với số tiền là 4.708,85 triệu đồng; năm 2021, có 264 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN (có 16 đơn vị chậm đóng 2 tháng trở lên) với số tiền là 7.061,79 triệu đồng; năm 2022, có 280 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền là 7.359,34 triệu đồng. Đối với khối doanh nghiệp, hợp tác xã: năm 2020, có 1.965 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền chậm đóng là 316.788,49 triệu đồng; năm 2021, có 1.997 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền chậm đóng là 292.877,67 triệu đồng; năm 2022, có 2.252 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền chậm đóng là 314.181,66 triệu đồng
Thiếu kiểm tra, đôn đốc
Báo cáo kết quả khảo sát về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng khẳng định: thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN ở một số địa phương chưa được sâu sát, các địa phương tuy đã ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả chưa cao. Cơ quan BHXH chưa có những giải pháp mang tính đột phá trong triển khai tổ chức thực hiện nhằm giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp chậm đóng năm sau tăng cao hơn năm trước, với số tiền ngày càng lớn, nhưng việc rà soát, phân loại nguyên nhân chậm đóng của từng đơn vị (chậm đóng do khó khăn, chậm đóng do chây ì, chậm đóng do chiếm dụng tiền BHXH, …) để từ đó đề ra giải pháp khắc phục còn chậm và có lúc, có nơi chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc trích nộp, đóng BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời; còn để xảy ra tình trạng chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, có nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (có lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được chốt sổ; nghỉ thai sản không được hưởng chế độ, đây là trách nhiệm chính của chủ sử dụng lao động). Có biểu hiện chây ì, chiếm dụng vốn, đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN của một số doanh nghiệp.
Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng được xem phóng sự “Cần sớm khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, và nội dung giải trình được Chủ tọa gợi mở, các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu tại các điểm cầu đã tham gia đặt câu hỏi đối với Giám đốc Bảo Hiểm xã hội tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhằm làm rõ về thực trạng, nguyên nhân, lộ trình khắc phục, giải pháp thực tế để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm kéo dài