Dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, GS.TS Trần Ngọc Đường; các thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật; các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân là việc sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm của mặt trận các cấp trong những tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 6 hội nghị và 2 hội thảo để xin ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như bàn các nội dung để chuẩn bị cho việc báo cáo, tổng hợp ý kiến Nhân dân. Bên cạnh đó, Ban Thường trực cũng xây dựng kế hoạch để các Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức các Hội nghị để đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cơ bản nhất trí việc lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò và huy động trí tuệ của Nhân dân.
Góp ý về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, tại chương X dự thảo Luật chưa có quy định về thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, cần có quy phạm, quy định thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm đơn giản, nhanh chóng; lược bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân; thực hiện công nghệ 4.0 trong các thủ tục nộp thuế, lệ phí.
Một số ý kiến cũng đánh giá, quy định về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh tại Điều 71 của dự thảo Luật còn quá rộng và thiếu cụ thể. Đề nghị cần xem lại thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, trong đó, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Cần tách bạch giữa quy hoạch và kế hoạch, quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh…
Dự thảo Luật hiện nay cũng chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế tổ chức lấy ý kiến Nhân dân ở cơ sở về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã theo phương châm dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo chủ trương của Đảng về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”. Vì vậy, các đại biểu kiến nghị, cần quy định rõ nội dung lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, trực tiếp là cấp xã, nhất là những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố.