Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các huyện, thành phố cần phải triển khai là trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và công khai các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp cần thiết phải tổ chức các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án giá đất bảo đảm tiến độ, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, các địa phương căn cứ dự toán thu ngân sách được giao, thực hiện rà soát các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu đất bán đấu giá, các dự án triển khai trong năm 2023 để xây dựng kế hoạch thu ngân sách đối với từng dự án.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thuế trong việc luân chuyển giải quyết các hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính cho gia đình, cá nhân có phát sinh tiền sử dụng đất để thông báo và đôn đốc thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước. Phối hợp với chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.

Riêng đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện thu tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Cục Thuế tỉnh thông báo và đôn đốc kịp thời tiền sử dụng đất phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước; chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp đôn đốc nợ và cưỡng chế nợ tiền sử dụng đất theo quy định.
Năm 2023,HĐND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ thu ngân sách là 20.000 tỷ đồng. Trong đó, thu tiền sử dụng đất là 4.800 tỷ đồng, tiền thuê đất là 700 tỷ đồng. Đến nay, mức thu đạt quá thấp so với nhiệm vụ và tiến độ năm ngân sách.