Tận dụng tối đa tính liên thông của cơ sở dữ liệu quốc gia
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Bên cạnh đó, cũng góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thi hành pháp luật hiện nay.
Tán thành các nội dung được đề xuất, sửa đổi đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nêu quan điểm về cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (TP. Hà Nội) nêu rõ, từ ngày 1.3.2023, Bộ Công an đã thực hiện việc cấp hộ chiếu gắn chip. Tại 2 cửa khẩu quốc tế quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang thực hiện việc lắp đặt cổng kiểm soát tự động để triển khai tự động hóa thủ tục kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập cảnh của công dân Việt Nam có sử dụng hộ chiếu gắn chip mà không cần có cán bộ quản lý xuất, nhập cảnh. Như vậy, hộ chiếu gắn chip có tính thực tế cao, tạo thuận lợi hơn cho người dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, khoản 2, Điều 6 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện đang quy định hộ chiếu gắn chip chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên khi có yêu cầu và không cấp cho công dân dưới 14 tuổi. Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nhận thấy, việc quy định như vậy là chưa phù hợp, nhất là khi dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cũng do Bộ Công an soạn thảo và trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã đề xuất việc cấp thẻ căn cước công dân cho cả trẻ em chưa đủ 14 tuổi. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 6 và một số điều khoản có liên quan ngay trong lần sửa đổi này để bảo đảm đồng bộ hóa các quy định, tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.
Liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông quy định tại Điều 15, Điều 16 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần rà soát toàn diện hơn các quy định tại 2 Điều luật này để đơn giản hóa hơn nữa các loại giấy tờ có liên quan, tận dụng tối đa tính liên thông sẵn có của cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch
Về cấp thị thực cho người nước ngoài và thời hạn thị thực, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp mã thị thực EV, tức là cấp thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng. Tuy nhiên, theo đại biểu, nên ghi trong dự thảo Luật là “90 ngày” vì đối với các nước khi cấp thị thực ngắn hạn đều ghi theo ngày mà không ghi theo tháng. Thị thực này có giá trị 1 lần trở thành có giá trị 1 hay nhiều lần, theo đại biểu, cũng là điều rất thuận lợi.
Dẫn báo cáo của Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu rõ, khi nước ta khôi phục chính sách xuất, nhập cảnh như thời điểm trước dịch Covid-19 thì từ ngày 15.3.2022 đến nay, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ trước đại dịch. Điều này cho thấy nhu cầu và tính thuận lợi về việc thêm thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về danh sách 156 nước và vùng lãnh thổ cấp thị thực điện tử và danh sách 13 cửa khẩu đường sông, 13 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài được nhập cảnh bằng thị thực điện tử kèm theo dự thảo Luật lần này.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, điều đó cho thấy nước ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài hạn của khách du lịch nước ngoài, người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư hoặc các hoạt động khác. Từ đó, tác động tích cực đến ngành du lịch và các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học và kinh tế của đất nước.
Một số đại biểu cũng đề nghị, cần cân nhắc tạo thuận lợi hơn trong các quy định về quá cảnh đối với người nước ngoài tại Điều 23 dự thảo Luật; xem xét tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ, điều này đã được áp dụng rất thành công tại nhiều quốc gia khác. Điều chỉnh theo hướng này cũng sẽ góp phần thu hút đáng kể khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.