Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc cần thiết, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo Luật đã được sửa đổi khá toàn diện, trên cơ sở tổng kết thực tiễn Luật hiện hành, cũng như nhìn nhận, đánh giá các xu thế hợp tác về chuyển dịch lao động giữa khu vực và thế giới trong bối cảnh mới. Dự thảo Luật cũng đã quán triệt các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người Việt Nam lao động ở nước ngoài nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, Luật hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi chưa có định nghĩa về hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trên thực tế vẫn có một số các công ty "ma" không có chức năng xuất khẩu lao động, chỉ có chức năng dịch vụ việc làm, dịch vụ đào tạo ngoại ngữ… nhưng vẫn quảng cáo chức năng xuất khẩu lao động. Sự thiếu vắng một định nghĩa tổng quát cùng với chế định hợp đồng cá nhân dễ dẫn đến việc các cơ quan quản lý nhà nước khó xử lý các công ty xuất khẩu lao động núp bóng các hình thức hoạt động khác, không tuân thủ các điều kiện và chịu sự quản lý của nhà nước. Do đó, các đại biểu đề nghị, trong dự thảo Luật cần quy định rõ ràng vấn đề này để tạo khung pháp lý minh bạch, chặt chẽ, hạn chế và có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi.
Về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, tại Điều 22 dự thảo Luật quy định giảm thời hạn giải quyết hiện hành từ 10 ngày xuống 6 ngày làm việc. Tuy nhiên, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, việc đăng ký chỉ có hiệu lực sau khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận bằng văn bản, thực chất là cơ chế xin – cho. Đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng cho biết, khi tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật thì hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều phản ánh tình trạng xử lý việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động của doanh nghiệp rất chậm so với quy định của Luật dẫn đến không bảo đảm tiến độ thực hiện hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị, cân nhắc, nghiên cứu chuyển từ cơ chế đăng ký sang cơ chế báo cáo, đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý hành vi vi phạm.