Tạo tiềm lực lớn thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc, nghĩa tình, Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (địa phương đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch) xác định 1 trong 3 đột phá phát triển là huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm, lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được khẳng định: quy hoạch tỉnh Long An đặc biệt chú trọng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế của tỉnh, với vai trò là hành lang kinh tế kết nối Đông - Tây giữa Vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để phát huy tối đa lợi thế này, trong quy hoạch, tỉnh hết sức chú trọng huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng và nội tỉnh, hướng đến đồng bộ, hiện đại nhằm tạo ra dư địa, tiềm lực lớn để phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng và mang lại giá trị thịnh vượng cho nhà đầu tư.
Qua đó, góp phần thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng.
Tăng cường kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển
Theo giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đặng Hoàng Tuấn, phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics được xác định là nội dung đầu tiêu trong phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật của Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia bao gồm: thực hiện theo quy hoạch quốc gia các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa; đồng thời, hình thành các nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bố trí thêm lối ra, vào với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.
Đối với kết cấu hạ tầng giao thông cấp tỉnh. Về đường bộ: cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến: đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu. Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, hình thành kết cấu hạ tầng đô thị hợp lý hoàn chỉnh; quỹ đất xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ đô thị đạt 18% - 25% so với quỹ đất xây dựng tại các đô thị. Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống bến xe tại các huyện, thị, thành phố; tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm (nếu có) tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn, bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác bảo đảm kết nối thuận lợi và an toàn.
Về đường sắt đô thị: xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn - Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới - Cần Đước. Về đường sắt chuyên dụng: xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ ra cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Về đường thủy: nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải là: (i) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa, (ii) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức Mộc Hóa, (iii) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa, (iv) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa, (v) Tuyến Phước Đông - Tân Kim và 11 tuyến nhánh. Cảng thủy nội địa: Nhóm I: Quy hoạch 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn. Nhóm II: Quy hoạch 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp. Quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 200 - 5.000 tấn. Nhóm III: Quy hoạch 14 cảng bến khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh…