Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết đã ban hành nhiều văn bản quán triệt và triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; chỉ đạo chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện; triển khai thực hiện Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ... Các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH đã được đưa vào các Kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng và năm, trở thành một phần của hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng quận, huyện.
Mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo TP và nỗ lực của các sở, ban, ngành chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp về BHXH chưa cao. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động vẫn còn xảy ra. Nhiều người mất việc do dịch Covid-19 vẫn có xu hướng nhận trợ cấp 1 lần, không quan tâm đến việc tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lâu dài.
UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm nhằm thống nhất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Xem xét ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các trường hợp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn; các doanh nghiệp đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp nợ đã giải thể, phá sản…
Hiện tại, dịch Covid-19 đã được kiểm soát đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch. UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cũng như những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Đoàn giám sát đánh giá cao sự phối chặt chẽ, trách nhiệm của UBND quận 1, Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và UBND TP để chương trình làm việc đạt hiệu quả cao. Các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng với những chia sẻ thẳng thắn. Đây là những thông tin thực tiễn quan trọng để Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội.
Đoàn giám sát đánh giá công tác BHXH đã được TP rất quan tâm với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực. TP cũng rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc. TP đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị TP. Hồ Chí Minh rà soát lại các chính sách hiện hành để giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch bệnh. Tiếp tục quan tâm đến công tác tiêm vaccine, đặc biệt với trẻ em và các đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kịp thời, quan tâm, động viên đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn. Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP kịp thời bổ sung các nội dung theo yêu cầu. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo các cơ quan chức năng để hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.