Chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát

Một trong những giải pháp được nhấn mạnh tại Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành. Nghị quyết cũng nêu rõ, cần chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên là một trong những Nghị quyết được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận, nhất trí rất cao của các ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết, đạt tỷ lệ 99,78%, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín vừa qua.

Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn

Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện.

avatar
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: Quang Khánh

Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Hai là, tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Ba là, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Bốn là, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.

Về giải pháp, Nghị quyết xác định, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần sớm ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); sớm xây dựng Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…). Rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Khẩn trương triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.

Khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng cho phát triển

Nghị quyết nêu rõ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: Hồ Long
Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Ảnh: Hồ Long

Thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin - cho”, đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án)...

Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới. Rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác... Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về vấn đề này, sẽ tổ chức ngay một Hội nghị với tất cả các địa phương nhằm rà soát và thúc đẩy các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm mỗi địa phương phải đạt các chỉ tiêu 8% trở lên theo Nghị quyết của Chính phủ.

Cùng với đó là mong muốn, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tiến hành giám sát ngay tại địa phương việc thực hiện Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5.2.2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên và việc giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp cùng phát triển.

Đưa Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống