Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp thể hiện bản lĩnh của phụ nữ
Các ĐBQH đánh giá Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao đời sống Nhân dân, trong đó có những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới và chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương), hệ thống pháp luật về bình đẳng giới của nước ta đã ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, nam giới và nhóm dễ bị tổn thương. Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, Nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực. Mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được gắn kết, củng cố.
Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trong năm 2023 đã có những tiến triển rõ rệt, qua đó, góp phần đưa chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 15 bậc so với năm 2021 (từ thứ 87/146 quốc gia lên thứ 72/146 quốc gia); khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực được thu hẹp.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc, nữ làm chủ doanh nghiệp, hợp tác xã của năm 2023 là 28,2%, đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là con số rất đáng tự hào. Điều này thể hiện năng lực, trình độ và bản lĩnh của phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn thương trường phức tạp như hiện nay.
Phụ nữ gặp khó khăn hơn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề
Ở góc độ khác, ĐBQH Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại về bình đẳng giới thời gian qua.
Đơn cử như về nhân sự làm công tác bình đẳng giới, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa có sự quan tâm đúng mức, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Công tác quy hoạch không quy định cụ thể về tỷ lệ nữ đối với từng vị trí, từng cấp, từng ngành nên khó giám sát, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật trong thực hiện. Hoặc đối với bố trí nhân sự cho thực hiện công tác bình đẳng giới còn kiêm nhiệm nhiều việc nên kết quả chưa cao…
Do đó, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị, Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn để có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo ĐBQH Hà Thị Nga (Đồng Tháp), trong bối cảnh chuyển đổi số, sự bùng nổ của khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang đặt ra nhiều thách thức trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đối với phụ nữ, tạo sự chênh lệch về mức thu nhập giữa nam và nữ còn khá lớn.
Lao động nữ thường gặp khó khăn hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, do họ vẫn đồng thời phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Điều này dẫn đến nguy cơ mất việc do sự thay thế lao động bởi trí tuệ nhân tạo, nhất là lao động đơn giản mà phụ nữ đang chiếm đa số hiện nay.
Do đó, đại biểu Hà Thị Nga mong muốn, Chính phủ tiếp tục quan tâm, có những giải pháp mạnh mẽ hơn tạo ra những cơ hội việc làm cho lao động nữ nhằm rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ.