Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón
Nhóm vật tư nông nghiệp được coi là một trong những ngành nghề quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó phân bón là loại vật tư quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Luật Thuế số 71/2014/QH13 thì phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT. Điều này khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào không được khấu trừ, mà nền nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá cao hơn 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất…
Bàn về vấn đề này, tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đưa đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Do đó, để góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón, cần chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.
Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ khiến các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế đầu vào cho các khoản đầu tư, mua sắm tài sản cố định, đây là điểm gây bất lợi cho doanh nghiệp và tăng chi phí sản xuất. Đại biểu cho rằng: giả sử nếu đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5%, thì đầu vào sẽ được khấu trừ 8%, theo đó doanh nghiệp đã có lợi hơn từ 2 - 3% về giảm chi phí sản xuất và doanh nghiệp sẽ có dư địa để giảm giá bán và tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đây là quyết định rất có lợi.
“Việc áp thuế GTGT 5% thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế làm gia tăng nhiều hơn năng lực cạnh tranh cho phân bón trong nước, thúc đẩy nhiều hơn sản xuất trong nước; đồng thời vẫn bảo đảm được mục tiêu có cơ hội giảm giá bán phân bón. Đối với lợi ích chung, với bình diện lớn hơn, không chỉ hướng đến mục tiêu giảm giá phân bón, việc áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón còn làm tăng năng lực, thúc đẩy, mở rộng quy mô sản xuất phân bón trong nước so với hoạt động nhập khẩu…”, ĐBQH Phan Đức Hiếu nhận định.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận) cũng nêu thực tế: tất cả các sản phẩm phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp thực chất là phục vụ cho bà con nông dân và ngư dân. Tuy nhiên, thực tế có một sản phẩm này trước đây là đối tượng chịu thuế 5%, sau này đưa vào đối tượng không chịu thuế, có nghĩa toàn bộ chi phí đầu vào không được khấu trừ. Trong khi rất nhiều sản phẩm đầu vào của những sản phẩm này thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Như vậy, nếu để quy định đối tượng chịu thuế 5% thì có thể phát sinh thuế giá trị gia tăng phải nộp. Thế nhưng, so với thuế đầu vào mà không được khấu trừ thì số thuế phải nộp về thuế giá trị gia tăng sẽ nhỏ hơn khi những sản phẩm này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
“Tôi nghĩ thực tế còn lớn hơn con số 8%. Điều này gây khó cho doanh nghiệp. Khi chúng ta không quy định những đối tượng này không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì những sản phẩm này không cạnh tranh được với các sản phẩm từ nước ngoài, từ máy, nông cụ, đến phân bón… Bà con nông dân chưa hẳn đã được hưởng lợi từ việc đưa các sản phẩm không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; trong khi làm cho các sản phẩm trong nước bị cạnh tranh không lành mạnh”.
Từ thực tế trên, ĐQBH Nguyễn Đình Khang cho rằng, việc bổ sung đối tượng áp dụng thuế giá trị gia tăng, trong đó có phân bón từ không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 5% là hợp lý và cần thiết.
Mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân
Bàn về quy định thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, nhiều ĐBQH đều có chung nhận định: nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón, đặc biệt là nông dân sẽ được mua các sản phẩm phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, phân bón đã từng là đối tượng chịu thuế GTGT, sau đó lại bỏ ra nhằm giảm giá thành phân bón, mang lợi cho nông dân. Nhưng về tổng thể, phân bón không chịu thuế GTGT là không có lợi, vì Việt Nam cơ bản chủ động được nguồn cung các loại phân bón, đã đáp ứng nhu cầu trong nước. Phân bón không chịu thuế GTGT, nhưng nhà sản xuất phải chịu thuế đối với nguyên liệu đầu vào. Do đó, nếu không được khấu trừ thuế GTGT sẽ khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp phân bón khó khăn. Do đó, để phân bón là hàng hóa chịu thuế GTGT là cần thiết, nhằm tăng nguồn thu từ khấu trừ thuế GTGT cho doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cũng cho rằng: quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ là “chìa khóa” để giải quyết những vướng mắc, bất cập của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về phân bón…
Cũng theo nhiều đại biểu, trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón chất lượng cao trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu... Do đó, việc áp thuế 5% đối với ngành phân bón không chỉ làm tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước, mà còn góp phần giảm bớt tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng… Qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, các đại biểu cho rằng, hơn lúc nào hết, những bất cập của chính sách thuế GTGT theo Luật Thuế 71 rất cần nhanh chóng được sửa đổi để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp, nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững.