Lo giá "chạy" trước lương
Từ ngày 1.7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8%). Dự kiến, Chính phủ sẽ dành 60.000 tỷ đồng để tăng lương cho viên chức, công chức và các khoản liên quan đến an sinh xã hội. Trong đó, nguyên tắc tăng lương được áp dụng không thấp hơn chỉ số tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng các đối tượng này xin nghỉ việc, chuyển việc, "chảy máu chất xám" trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên trên thực tế, khi nghe tin được tăng lương không ít người dân vừa mừng, vừa lo.
Đón nhận tin vui sắp được tăng lương, chị Đinh Thị Thúy, cán bộ tại Trung tâm Chính trị huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) chia sẻ, với người chỉ sống dựa vào lương thì việc được tăng lương là tin rất vui. Tăng lương đồng nghĩa với việc sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu, nâng mức sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là giá cả thường "chạy" trước lương, khiến lương tăng nhưng thu vẫn không đủ bù chi.

Tương tự, chị Đặng Thị Hiền, giáo viên tiểu học tại một trường ở Quận 2, TP. Hồ Chí Minh khi biết tin mình thuộc diện đối tượng được tăng lương theo chính sách của Nhà nước, bản thân chị rất phấn khởi. Song, chỉ mới chính thức được tăng lương vài ngày mà giá cả hàng hóa ở chợ đã tăng lên từ cả gần tháng trước rồi. Do vậy, chị mong muốn trong những đợt điều chỉnh lương, Nhà nước cần có những chế độ đãi ngộ tốt hơn hoặc cân nhắc đến yếu tố vùng miền, yếu tố nghề nghiệp hoặc có những chính sách thi đua để chúng tôi có thêm thu nhập và yên tâm công tác.
Khác với chị Thúy và chị Hiền, chị Võ Thị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại không mấy vui vẻ khi nghe tin tăng lương. Lương tăng kéo theo giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng. Chị mong Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách quản lý và kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường để không làm xáo trộn đời sống người dân.
Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát
Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay không chỉ giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng mà nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng được điều chỉnh tăng theo, khiến đời sống của những người làm công ăn lương bị ảnh hưởng. Đáng nói, theo Tổng cục Thống kê, thông thường đã thành quy luật, sau mỗi lần tăng lương sẽ kéo theo việc tăng giá hàng hóa, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm.
Từ ngày 1.7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng và được áp dụng cho 9 nhóm đối tượng. Khi điều chỉnh lương cơ sở, 12 khoản tiền trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc nâng lương cơ sở kéo theo giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng không chỉ xảy ở nước ta, mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Bởi, các nhà sản xuất, kinh doanh nghĩ rằng lương tăng sẽ kéo theo sức tiêu thụ lớn hơn, đây là một trong những vấn đề cần quan tâm. Nếu hàng hóa dịch vụ tăng đều theo lương hoặc trên lương thì việc tăng lương chỉ mang tính danh nghĩa. “Việc nâng lương chỉ có ý nghĩa khi các sản phẩm trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định. Chính vì vậy, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần theo dõi và cập nhật thường xuyên giá cả thị trường, đặc biệt là giá điện, giá nước và giá xăng dầu... để người dân có thể thay đổi hành vi cho phù hợp” ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong những năm trước đây, việc tăng lương thường kéo theo việc giá cả hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời gian 5-7 năm trở lại đây, việc quản lý giá cả được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, chỉ đạo nên việc tăng giá theo tăng lương đã được chú ý một cách đầy đủ. Đáng nói, bối cảnh hiện nay có nhiều điểm đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng không cao, cộng thêm việc doanh nghiệp cung ứng hàng hóa khá dồi dào.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương mại và Cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, tất cả dự báo gần đây, xu hướng giá cả cho thấy tình hình tương đối ổn định. So với mục tiêu đề ra năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể giữ được lạm phát trung bình ở con số khoảng 4-4,5%; mục tiêu này đã tính đến nhiều yếu tố trong đó có cả yếu tố tăng lương.
Thông tin với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Phạm Văn Bình cho biết, Cục đã có sự chuẩn bị, cụ thể là sau ngày 1.7 sẽ quan sát kỹ diễn biến giá cả thị trường theo đúng mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra là 4,5% cho năm nay. Đặc biệt, quan tâm đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, vì từ giá mặt hàng này sẽ tác động sang giá khác. Một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước quyết định giá sẽ được điều chỉnh một cách thận trọng tùy theo từng thời kỳ.
Tăng lương cơ sở là chính sách được kỳ vọng thu hẹp khoảng cách tiền lương và giá cả thị trường đối với những người làm việc trong lĩnh vực nhà nước và trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tránh tình trạng giá cả tăng cao làm giảm hiệu quả chính sách, các chuyên gia cho rằng, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức chưa phải là giải pháp căn cơ, chưa giải quyết gốc rễ của vấn đề. Quan trọng nhất, phải có chính sách đủ mạnh để tiền lương thành nguồn thu nhập chủ yếu, là động lực để người lao động cống hiến.