Bài thi chưa sát thực tế
Thông tin hàng trăm nghìn người ở TP. Hồ Chí Minh rớt thi bằng lái xe năm 2023 khiến nhiều người dân bất ngờ, đặt ra câu hỏi do đề khó hay do quá trình học, chương trình đào tạo? Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, tính đến tháng 11.2023, Sở đã tổ chức 2.150 kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô và xe máy cho 394.557 thí sinh dự thi. Kết quả thi có 274.813 thí sinh đỗ và được cấp giấy phép lái xe; với tỷ lệ 54,19% đỗ hạng ô tô và 78,72% mô tô. Tuy nhiên, ông An cũng cho hay, tỷ lệ và số lượng học viên rớt sát hạch ô tô nhiều so với năm trước là do việc áp dụng thêm nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn. Phần mềm mô phỏng gồm 120 video là các tình huống gây mất an toàn giao thông xảy ra trong thực tế để người học nghiên cứu, nhận biết, phán đoán và đưa ra phương án xử lý để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, sau 1 thời gian thí điểm cho thấy việc thi mô phỏng này còn tồn tại bất cập, nhiều tình huống chưa sát thực tế đi trên đường, kết quả phụ thuộc vào ý chí của người lập trình phần mềm.
Theo đó, thay vì giúp nhận biết các tình huống mất an toàn giao thông thì học viên thường phải tham khảo đủ 120 tình huống mô phỏng và xem trước các đáp án để biết khoảnh khắc nào sẽ được điểm tối đa. Nếu không học kỹ, học “thuộc lòng” thì thí sinh vẫn có thể bị điểm kém hoặc thi trượt. Việc phải ghi nhớ đáp án và bấm nút ghi điểm kịp thời để thi đỗ khiến nhiều người đặt câu hỏi về giá trị thực tiễn của bài thi mô phỏng này. Thậm chí, trên mạng Internet còn xuất hiện tràn lan những mẹo học vẹt để vượt qua phần thi. Bên cạnh đó, hiện nay quá trình học lái xe khá dài, với nhiều nội dung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Những học viên tiếp thu không hết, học thiếu nội dung... thì kết quả thi sẽ không đạt.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Theo các chuyên gia giao thông, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào đào tạo là cần thiết. Trong cách dạy lái xe, thiết bị mô phỏng buồng lái để học viên làm quen trước khi cầm vô lăng. Tuy nhiên, việc dùng phần mềm mô phỏng lái xe giúp quá trình đào tạo nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp học viên làm quen trước khi bước vào môi trường thật để sát hạch lấy bằng, chứ không thể dùng làm thước đo để cấp bằng cho người lái.
Đồng tình với quan điểm không cần thiết đưa việc mô phỏng lái xe vào bài thi, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản chia sẻ, hiện nay có không ít tài xế xe tải, xe du lịch kinh nghiệm hàng chục năm (trường hợp thi bằng lái quá hạn) nhưng lớn tuổi, không rành về công nghệ nên thi rớt phần mô phỏng. Nguyên nhân do kinh nghiệm đi đường họ có nhưng họ không biết dùng máy tính.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng cho rằng, không phải đến bây giờ, mà ngay khi soạn thảo Thông tư 04/2022, Hiệp hội đã có văn bản đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam không nên đưa phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vào đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bởi thực chất, phần mềm này không phù hợp và không sát với thực tiễn.
Góp ý về sửa đổi quy định đào tạo, sát hạch lái xe, theo Sở Giao thông Vận tải một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng… trong quá trình tổ chức thực hiện thi sát hạch ô tô bằng phần mềm mô phỏng, xuất hiện rất nhiều bất cập; phần mềm đánh đố người thi, thiếu thực tế và cách tính điểm cũng chưa phù hợp. Đại diện một số trung tâm đào tạo cũng cho rằng, chỉ nên đưa phần mềm mô phỏng lái xe vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên, mà không đưa vào phần sát hạch lái xe bắt buộc.
Trước những đề xuất sửa đổi, thậm chí bỏ phần thi mô phỏng trong thi sát hạch cấp giấy phép lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của các Sở Giao thông Vận tải, các cơ sở đào tạo và người học, đồng thời đã khẩn trương phối hợp đơn vị xây dựng phần mềm và các cơ quan chức năng điều chỉnh một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý. Đặc biệt, sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có giấy phép lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn. Theo đó, ngay trong tháng 1.2024, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có điều chỉnh về phần mềm mô phỏng tình huống giao thông trong phần thi sát hạch lái xe và chuyển giao ngay cho các Sở Giao thông Vận tải, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.