Tốc độ tăng GDP năm 2024 ước đạt khoảng 6,8-7%
Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp song nước ta vẫn giữ được ổn định tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt. Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%)…
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2024 là yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu đề ra, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực.
Mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…
Trong đó, 15 chỉ tiêu chủ yếu là tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Quan tâm, đánh giá kỹ về việc tổng cầu phục hồi yếu
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2024, mục tiêu tổng quát và 14/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức. Chỉ rõ điều này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ về vấn đề tổng cầu phục hồi yếu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao; một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia…
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, song cần bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Cụ thể là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia…
Quốc hội và Nhân dân mừng về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024
Đa số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Chính phủ đã quyết tâm và chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nước ta vượt qua khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội năm 2024.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với 14/15 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 103/2023/QH15, trong đó tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8-7% là điểm đáng mừng. “Quốc hội và Nhân dân mừng về bức tranh kinh tế của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dù khó khăn rất nhiều, nhất là ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão, đặc biệt là bão số 3 và hoàn lưu sau bão, nhưng tăng trưởng nước ta được bảo đảm nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội được ban hành sát thực tiễn, Chính phủ chỉ đạo, điều hành rất linh hoạt, đặc biệt là các chính sách kịp thời đến với doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa bảo đảm tiến độ.
Đơn cử như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, đến nay theo tổng kết vẫn còn một số địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn. Do đó, Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện Luật này mới tháo gỡ khó khăn cho địa phương, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để bảo đảm thời gian, tiến độ và chất lượng; đồng thời nhấn mạnh tư tưởng, quan điểm đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đó là “cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư...".
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong đánh giá thị trường tài chính, ngân hàng tiếp tục có một số biến động cần quan tâm. Thị trường bất động sản còn nhiều bất cập. Và, qua giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” đã chỉ ra nhiều vấn đề, báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo.
Nêu rõ, xuất khẩu năm 2024 là một điểm sáng, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý hiện nay kinh tế toàn cầu còn khó khăn, thiếu bền vững, đặc biệt là sức mua của thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc… giảm so với những năm trước. Thị trường lao động còn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu cục bộ và phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực, ngành nghề kinh tế… Tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước những vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025. “Mặc dù năm nay bảo đảm tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội nhưng chính sách về tài khóa làm sao phải phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để đối mặt với những thách thức của toàn cầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn. Có giải pháp vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bảo đảm nguồn cung và ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán 2025 trước, trong và sau. Quan tâm chỉ đạo quyết liệt các 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và tới đây là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tập trung nâng cao chất lượng dạy học và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2025 có đóng góp quan trọng vào hoàn thành kế hoạch kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Dự báo có nhiều khó khăn, thách thức nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần phân tích cụ thể, có giải pháp đột phá để ứng phó, đặc biệt là với tình hình kinh tế chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định, trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức.