Tái thiết không gian công cộng bằng nghệ thuật

Cải tạo không gian công cộng thành không gian nghệ thuật nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng và cả nghệ sĩ. Xu hướng này mang đến nhiều lợi ích thiết thực, tạo dựng hình ảnh văn minh, hiện đại cho đô thị.

Đưa nghệ thuật vào đời sống đô thị

UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vừa phối hợp với các đơn vị, cá nhân, tổ chức ra mắt dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Với chủ đề “Nước”, các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí và địa hình đặc thù trên cầu đi bộ, biến cây cầu trở thành bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng.

Trước đó, với ý tưởng mang nghệ thuật đương đại đến gần công chúng hơn, kêu gọi sự tương tác của người xem với lịch sử và văn hóa Hà Nội xưa, dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng được thực hiện từ năm 2017. Tương tự, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân hoàn thành năm 2020 cũng đã biến một nơi tập kết rác thải trở thành không gian với các tác phẩm nghệ thuật, là hình mẫu trong chỉnh trang đô thị… Có thể nói, thông qua những dự án nghệ thuật này đã góp phần khơi dòng chảy mới trong “cơ thể” đô thị Hà Nội sống động; biến chúng trở thành không gian sáng tạo cởi mở, khơi gợi cảm hứng sáng tác cho cá nhân và cộng đồng.

Nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Ảnh: Đ. Hiệp
Nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Ảnh: Đ. Hiệp

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, nhiều năm qua, bên cạnh hoạt động thương mại, quận Hoàn Kiếm là nơi xuất hiện các không gian sáng tạo sớm nhất và nhiều nhất. Nhận thấy sự cần thiết về tái thiết không gian công cộng, quận đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức các điểm tĩnh kết hợp với các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, quận luôn ủng hộ những ý tưởng nghệ thuật và văn hóa mới, sáng tạo, tạo nên hình ảnh mới cho đô thị Thủ đô.

Thực tế, quận Hoàn Kiếm không còn quỹ đất dành cho xây dựng thêm các thiết chế văn hóa. Bởi vậy việc giải phóng mặt bằng, sử dụng các không gian công cộng sẵn có, tu bổ và làm mới các công trình di sản, vừa góp phần bảo tồn, làm đẹp đô thị, vừa tạo không gian văn hóa, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư.

Cả cộng đồng và nghệ sĩ đều có lợi

Trong bối cảnh những người thực hành nghệ thuật đương đại đang rất thiếu không gian có thể triển lãm cũng như thỏa sức thể hiện thử nghiệm sáng tạo của mình, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người tham gia thực hiện một số dự án nghệ thuật công cộng tại Hà Nội cho rằng, những không gian công cộng trở thành tiềm năng lớn. Khi các dự án nghệ thuật công cộng như Phùng Hưng ra đời cách đây 7 năm đã khởi động cho tác phẩm nghệ thuật đương đại, tác phẩm nghệ thuật mang tính thử nghiệm xuất hiện ở nơi công cộng và người xem có thể tiếp cận với nó miễn phí, mọi lúc.

"Mỗi thành phố sẽ sử dụng các biện pháp, cách tiếp cận khác nhau, trong đó nghệ thuật là cách tiếp cận sáng tạo nhất. Gần đây quận Hoàn Kiếm có nhiều không gian sáng tạo liên kết với yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa, ngữ cảnh của đường phố, cảnh quan. Thậm chí không gian văn hóa có thể kết nối phố cổ lịch sử với khu dân cư ngoài bãi... UBND quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ đã có cách làm mới, thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa sáng tạo và phát triển, giữa bảo tồn và khai thác vốn cổ bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng sáng tạo của nghệ sĩ và quản trị sáng tạo của chính quyền địa phương".

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh

“Nghệ thuật đương đại nhiều khi xuất hiện ở những nơi không dễ để các tầng lớp đại chúng có thể tiếp cận. Từ những quan sát như vậy, chúng tôi muốn đưa những thực hành nghệ thuật công cộng hướng tới công chúng, để mọi người ở các lứa tuổi khác nhau có thể dễ dàng tiếp cận. Các nghệ sĩ cũng được thỏa sức thử thách với không gian lớn, với bối cách lịch sử, văn hóa riêng biệt” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.

Hiện nay, các bảo tàng, thiết chế nghệ thuật đi vào đời sống trở thành thước đo cho giá trị đáng sống, niềm tự hào cho thành phố đó. Thành phố Hà Nội với gần 10 triệu dân, nhưng số không gian nghệ thuật chuyên nghiệp như bảo tàng, gallery quả thực còn khiêm tốn nếu so sánh với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, phát triển dự án nghệ thuật trong không gian công cộng, không gian di sản đô thị có thể giúp khỏa lấp phần nào sự thiếu hụt về phát triển thiết chế văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp trong đời sống xã hội của thành phố Hà Nội và Việt Nam.

Theo nhiều ý kiến, Hà Nội thuận lợi trong phát triển không gian nghệ thuật, tuy nhiên cũng không ít khó khăn, thách thức, nhất là chưa có quỹ nghệ thuật để nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ tự do có thể xin tài trợ, nghệ sĩ trẻ có thể đề xuất dự án. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận định, "đây là điều thiếu hụt trong đời sống sáng tạo của thành phố, khi nhiều nơi trong khu vực và thế giới, quỹ nghệ thuật của thành phố và quốc gia nhiều và hỗ trợ thường xuyên cho cộng đồng nghệ sĩ địa phương; có ‘đề bài’, cuộc thi nhằm giải bài toán cụ thể của từng khu vực”.

Việc cải tạo không gian công cộng thành không gian nghệ thuật mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là xu hướng cần được tiếp tục đẩy mạnh để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại. Bên cạnh sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, nghệ sĩ, cộng đồng, rất cần mô hình phát triển quỹ nghệ thuật chuyên nghiệp để cộng đồng nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ, có thể tiếp cận dễ dàng, đóng góp tài năng, sáng tạo của mình cho sự phát triển cộng đồng, cho đời sống nghệ thuật và sự phát triển chung của thành phố.

Văn hóa - Thể thao

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.