Dịch Covid-19 đang nóng trở lại trong những ngày gần đây. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong vòng 4 ngày từ 8.4 đến 11.4, cả nước phát hiện 462 ca Covid-19 mới.
Tại Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết chỉ tính riêng ngày 10.4 đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc Covid-19, đa số phải thở oxy. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, trong tuần qua địa phương đã ghi nhận 67 ca mắc Covid-19, tăng 44 trường hợp so với tuần trước.
Tại Lào Cai, UBND tỉnh cho biết trên địa bàn huyện Văn Bàn vừa ghi nhận 52 ca mắc Covid-19 tại trường THCS thị trấn Khánh Yên. UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại nơi đông người, giám sát các khu công nghiệp, giám sát trường học…; kiểm soát tốt các ổ dịch, nhanh chóng khoanh vùng, dập tắt ổ dịch không để các ca bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, nhiều trường học đã có phương án phòng, chống dịch bệnh theo mùa, thậm chí sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu có ca mắc là học sinh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, số ca Covid-19 tăng trong giai đoạn này có thể do miễn dịch của người sau tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm đã giảm.
Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, nhiều người cũng lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra nhận định, số ca nhiễm thực tế cao hơn số ca được công bố hàng ngày, lý do là có nhiều người mắc bệnh, có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, tự test và tự điều trị tại nhà.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Do đó, người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng…
Về vấn đề phòng chống dịch tại các trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng “nguy cơ đến đâu giải quyết đến đó”. “Học sinh nào bị mắc Covid thì nghỉ, còn các học sinh khác cần thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với những học sinh bị nhiễm bệnh”, ông Phu nói.
Từ thực tế dịch Covid-19 như làn sóng “giảm rồi lại tăng”, ông Phu kiến nghị Bộ Y tế cần đánh giá chính xác nguy cơ, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có phương hướng công bố dịch bệnh phù hợp tình hình. Cùng với đó, chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng cần được nghiên cứu, hướng tới bảo vệ nhóm nguy cơ (người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…).
Trước đó, thông tin về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến số mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.
Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng “Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế” để sẵn sàng triển khai, thực hiện khi xảy ra.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo đó, phòng chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.