Hy vọng một thế hệ người viết mới
Internet là công cụ đắc dụng, đưa nhiều tác giả từ vô danh đến với công chúng, thậm chí tiến gần tới giới văn chương chính thống. Ở Việt Nam, văn học mạng xuất hiện vào khoảng năm 2006, khoảng 9 năm sau khi internet chính thức vào nước ta và tồn tại với đời sống trực tuyến của người Việt. Đã có những giai đoạn trong dòng chảy văn chương đương đại, văn học mạng trở thành một hiện tượng, đòi hỏi người ta phải định nghĩa, nhìn nhận lại nó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay, văn học mạng, tác giả mạng vẫn cứ là một nhãn dán mang lại ít nhiều hoài nghi, thậm chí là kỳ thị, tới từ giới hàn lâm.
Tại hội thảo “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” mới đây, nhà văn, dịch giả Nhật Phi nhận định, chưa bao giờ trong lịch sử, người viết lộ diện dày đặc như ngày nay. Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội, chúng ta rất dễ bắt gặp rất nhiều nhóm, cộng đồng sáng tác, ở đủ thể loại, đề tài, đủ mức độ chất lượng. Những người viết trên mạng này thường là rất trẻ, có những bạn còn đang là học sinh trung học cơ sở. Niềm yêu thích viết của họ tới từ sự đọc, và đọc gì thì viết nấy, bản năng và ít nhiều tùy tiện.
Nếu như ở những giai đoạn trước của văn học mạng, ta thấy sự đa dạng về thể loại truyện ngắn, tản văn, thơ... thì giờ đây truyện dài đang là thể loại chủ lưu. Ở đó, nhiều mảng đề tài lớn trong các tác phẩm nghiệp dư của văn học mạng là giả tưởng hậu tận thế, kỳ ảo... Sự thoát ly hiện thực tất yếu của tác giả trẻ, cộng với một cộng đồng đã không còn ngại đọc dài, không ngại chờ đợi, cho chúng ta hy vọng về một thế hệ người viết mới mang tới những tác phẩm là sự bổ sung cần thiết cho văn học Việt Nam.
Theo nhà văn Nhật Phi, văn học mạng hiện nay cũng đề cao tính hệ thống. Các tác phẩm thường được gắn mác cụ thể, không chỉ là thể loại, đề tài, mà còn là một số khung cốt truyện đã được quy ước từ trước, ví dụ như tổng tài - nhân vật nam chính thành công, giàu có, đam mỹ - truyện tình yêu đồng tính nam, bách hợp - đồng tính nữ, cường công nhược thụ - truyện tình yêu giữa một người mạnh mẽ và một người yếu đuối...
Ở đó, các tác giả và độc giả đã cùng nhau kiến tạo những khối, những dòng. Một số đề tài được công thức hóa, một số motif được tiếp thu và phát triển từ tác giả này tới tác giả khác, từ độc giả dòng này sang độc giả dòng khác… Cũng từ đó, có thể trông đợi sự tựu hình của một “vũ trụ văn chương”, những hệ thống được đóng góp bởi nhiều tác giả qua nhiều thời kỳ rồi trở thành cái nền của nhiều tác phẩm khác…

Ảnh: MCM
Chủ động dẫn dắt, định hướng kịp thời
Tương tự như đăng truyện dài kỳ trên báo và tạp chí thời kỳ trước, các tiểu thuyết dài kỳ cũng xuất hiện trên mạng. Theo nhà văn Nhật Phi, thời gian qua, các nền tảng sáng tác định kỳ trực tuyến cũng xuất hiện. Theo nhiều nghĩa, quá trình sáng tác tiểu thuyết dài kỳ mang nhiều đặc điểm tương đồng với tính chất văn học mạng, khi mà tác giả sáng tác từng phần, có sự tương tác và tiếp thu từ độc giả, và tác phẩm đi tới bản sách in thường đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa. Sự khác biệt chính yếu nằm ở nhuận bút.
“Do không có quá trình thẩm định chặt chẽ, không đòi hỏi đãi cát tìm vàng, sàn chất lượng tác giả, tác phẩm thấp trong khi tác phẩm tràn lan, mức nhuận bút ở các nền tảng này cũng thuộc dạng chẳng thấm vào đâu. Mức nhuận bút của các nền tảng này thường từ 50.000 đồng/1.000 chữ. Trung bình các tác giả cần viết 2.000 chữ mỗi ngày, 60.000 chữ cả tháng để đạt mức nhuận bút 4 triệu đồng... Vậy nên cũng chẳng sai lắm khi mà ta nghĩ về các tác phẩm này như những ‘tiểu thuyết ba xu’ đúng nghĩa”. Nhà văn Nhật Phi cho rằng, điều này cũng thể hiện kiểu “tác giả đi cày”, khác với cách “nhà văn đi câu” như trước kia.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều này cũng gây ra hệ lụy: nhuận bút thấp, tác phẩm thiếu đầu tư, độc giả dễ dãi, và lặp lại. Đây là một vòng xoáy đi xuống có thể ảnh hưởng tới thẩm mĩ văn học của người trẻ. Dù vậy, văn học mạng đang bổ sung những mảng miếng thiếu cho nền văn học. Do đó, nhà văn Nhật Phi góp ý có thể chủ động dẫn dắt họ, từng bước giúp họ nâng cao năng lực cũng như nhận thức sáng tác. Điều này đòi hỏi kiên nhẫn và bao dung.
Còn theo nhà thơ Hữu Việt, nếu bỏ qua văn học mạng, thì nền văn học còn khiếm khuyết. Tuy nhiên, văn học mạng đếm view kiếm tiền chỉ là kinh doanh. Một số tác giả khởi đầu với văn học mạng, nhưng cuối cùng vẫn là tác phẩm được biên tập và in. Hiện nay, một số nhà xuất bản cho biết đi tìm tác giả mới trên nền tảng mạng xã hội, nhưng tác phẩm văn chương chất lượng không thể thiếu bàn tay của người biên tập để tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng. Đây là điều còn thiếu với văn học mạng hiện nay.
Nhà văn Hà Thanh Vân nhận xét, diện mạo văn học mạng đã thay đổi khá nhiều. Về nội dung và hình thức chịu ảnh hưởng của văn học mạng Trung Quốc. Ở Trung Quốc có khoảng 2 triệu người cầm bút trẻ, số người đăng ký đọc trả phí là hơn 300 triệu thành viên … Để phát triển văn học mạng cần có sự đồng hành của hội nghề nghiệp. Một số quốc gia có Hiệp hội Văn học mạng, có các trang mạng nổi tiếng trao giải thưởng cho các nhà văn. Trong tình hình văn học mạng phát triển nhưng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, nên chăng có Hội Văn học mạng trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam để hỗ trợ về nội dung, định hướng kịp thời, từ đó nâng cao chất lượng của loại hình này.