Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái gửi Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngay sau khi nhận thông tin từ địa phương, 100% lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trục thuộc sở đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra xác định thiệt hại, thống nhất giải pháp khắc phục.
Trong đó, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đã tập trung máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và nhân công đến hiện trường để khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất.
Công tác tổ chức đảm bảo giao thông, phân làn, phân luồng được phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tại hiện trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tính đến 17h ngày 13.8.2023, Quốc lộ 32 bị xói lở mất toàn bộ nền, mặt đường: 2 vị trí (tại lý trình Km325+450 – Km325+464, chiều dài L=14m và lý trình Km326+274 – Km326+324, chiều dài sạt lở L=50m).
Sạt lở taluy âm nền, mặt đường: 475m/22 vị trí; sạt lở taluy dương: Tổng khối lượng sạt lở khoảng 59.900m3/225 vị trí; Hộ lan hư hỏng 3.500 md và mặt đường hư hỏng: khoảng 6.000m2…
Báo cáo cũng cho biết, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đã huy động 14 máy xúc các loại, 10 ô tô và 50 cán bộ, công nhân xử lý, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra; hót đất, đá sụt lở và cây đổ; cắm biển báo hiệu, rào chắn những vị trí nguy hiểm.
Từ 8h ngày 11.8 đã thông đường. Tuy nhiên, do còn nhiều vị trí sạt lở taluy âm mất ½ mặt đường rất nguy hiểm nên chỉ cho các loại phương tiện xe tải loại 3,5T trở xuống và xe ô tô chở người đến 9 chỗ lưu thông qua đoạn Km325 – Km330 (đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng).
Đối với vị trí sạt lở mất toàn bộ mặt đường, ngành giao thông vận tải đã thực hiện xếp kè rọ thép nhồi đá hộc phía taluy âm, sau đó đắp cấp phối nền, mặt đường đảm bảo tối thiểu 1 làn đi lại. Đối với các vị trí sạt lở taluy dương: đào hót bùn đất, đá, cây cối sạt lở.
Sau khi hoàn thành đảm bảo giao thông bước 1, để đảm bảo ổn định công trình, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị cho phép đầu tư dự án sửa chữa đột xuất cấp bách công trình kè bê tông cốt thép, sửa chữa nền, mặt đường, công trình thoát nước và hệ thống an toàn giao thông với khối lượng với kinh phí dự kiến khoảng 80 tỷ đồng. Tổng kinh phí khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 và sửa chữa đột xuất cấp bách khoảng 110 tỷ đồng.