Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình và Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Nguyễn Lam đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Ngọc Ánh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy; đại diện các bộ, ngành trung ương và tổ chức chính trị - xã hội.
Báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2023, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương Đặng Hữu Ngọ cho biết, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiếp tục chỉ đạo quán triệt, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời theo hướng tôn trọng và phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân.
Việc thực hiện quy chế dân chủ đã tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Song, kết quả thực hiện quy chế dân chủ vẫn có nơi, có việc còn hình thức, đánh giá chưa đúng thực chất, chưa đồng bộ. Việc giải quyết tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xác định, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ; nghiên cứu cụ thể hóa, thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo đã nêu tương đối đầy đủ, chi tiết và rõ nét những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, cần lấy ý kiến thực sự của người dân, đồng thời quan tâm tới cơ chế, cách thức lấy ý kiến của người dân; ứng dụng công nghệ trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2023, nhiều đại biểu kiến nghị, điều chỉnh tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” thành “Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và ý kiến của các đại biểu. Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị, cần sớm có một cuộc họp toàn thể của Ban Chỉ đạo để thảo luận, đánh giá quá trình hoạt động thời gian vừa qua, thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và có đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18.2.1998 của Bộ Chính trị khoá VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị số 30 và đối chiếu với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ tiếp tục quán triệt, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.